Nêu cao vai trò, trách nhiệm của gia đình đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông

NGUYỄN MINH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong những năm trở lại đây, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông đang diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hầu hết độ tuổi những em vi phạm tập trung từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Neu cao vai tro, trach nhiem cua gia dinh doi voi lua tuoi thanh, thieu nien khi tham gia giao thong - Hinh anh 1
Thanh thiếu niên không chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông. 

Thực trạng trên đang là mối lo của toàn xã hội và gia đình trong việc quản lý, giáo dục các em. Đặc biệt là tình trạng một số nhóm thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi sử dụng xe mô tô, xe máy của gia đình, người thân, anh em, bạn bè tụ tập thành đoàn: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, nẹt pô, gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Đáng chú ý là đa số các đối tượng này không có giấy phép lái xe Hạng A1 nhưng lại điều khiển những xe mô tô, xe máy có dung tích xilanh từ 50cm³ trở lên.

Với những hành vi vi phạm về trật tự giao thông trên thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hành vi vi phạm cụ thể của mình. Bên cạnh đó, chủ của phương tiện thực hiện hành vi vi phạm trên cũng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo điểm đ, khoản 5, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với lỗi vi phạm: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)

Tại khoản 1, Điều 58 Luật GTĐB quy định: Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Do đó để nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, thì cần nhấn mạnh rằng yếu tố gia đình là điều cơ bản hàng đầu trong công tác quản lý trước khi các em bước ra ngoài xã hội. Nếu có sự quản lý tốt từ phía gia đình thì những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông hoặc xa hơn nữa là các hành vi vi phạm về hình sự sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Tin liên quan