Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không - trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh khẳng định, thiệt hại mà dịch bệnh Covid- 19 gây ra cho ngành Hàng không sẽ không chỉ dừng lại ở những con số cụ thể trước mắt mà còn gây ra dư chấn rất lâu dài.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
|
“Hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng của dịch bệnh này, trong đó các ngành nghề sản xuất, dịch vụ và vận tải là nặng nề nhất. Hàng không đương nhiên không nằm ngoại lệ. Kể cả trong trường hợp dịch bệnh đi qua và các hãng Hàng không hoạt động trở lại bình thường thì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 vẫn sẽ còn rất nặng nề trong một thời gian dài” - TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Chuyên gia này đưa ra cảnh báo, với những diễn biến khó lường của dịch bệnh trong thời gian qua, ngành Hàng không nói riêng và các lĩnh vực GTVT nói chung cần chuẩn bị sẵn tâm lý cho một cuộc sống lâu dài với dịch bệnh này. “Vừa qua có tín hiệu lạc quan về dịch bệnh ở Trung Quốc nên nhiều người cũng nghĩ cao điểm dịch bệnh đã qua rồi.
Thậm chí còn tính đến tháng 3 trời ấm thì dịch bệnh sẽ hết. Nhưng đột nhiên dịch bệnh bùng phát dữ dội tại Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Diễn biến khó lường của dịch bệnh sẽ càng khiến người dân có tâm lý hoang mang, không dám đi đâu mà lựa chọn ở nhà cho an toàn. Các hãng Hàng không vì thế vốn đang vắng khách sẽ ngày càng thêm vắng. Đây là điều khó tránh” - TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.
Trong khi đó, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc cắt giảm các chuyến bay đến những vùng có dịch để tránh nguy cơ lây lan Covid - 19 cũng như sự sụt giảm các đường bay quốc tế từ các quốc gia có dịch đến Việt Nam sẽ khiến gây ra những thiệt hại rất nặng nề đối với các ngành Hàng không, thậm chí có thể khiến ngành Hàng không đối diện với tình trạng tăng trưởng âm trong tương lai gần.
Tuy nhiên, vượt trên những thiệt hại đang phải đối mặt, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng đây cũng là dịp để các hãng hàng không nhìn lại chính mình để có sự đổi mới phù hợp với tình hình mới. “Đây là cơ hội để các hãng Hàng không tái cơ cấu thị trường theo hướng đa dạng hóa thị trường để bớt rủi ro. Không nên cho nhiều trứng vào một giỏ” – TS Cao Sỹ Kiêm cho biết.
Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đa dạng hóa thị trường luôn là một nguyên tắc vàng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Với việc thị trường Trung Quốc chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế, với 72 đường bay từ 5 điểm của Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc, có thể thấy việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường đất nước tỷ dân đang là nguyên nhân khiến Hàng không Việt Nam phải gánh chịu thiệt hại nặng nề khi dịch bệnh bùng phát ở chính quốc gia này.
“Trong các hoạt động kinh tế, thương mại, nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ gặp những rủi ro lớn khi thị trường đó có vấn đề” - TS Cao Sỹ Kiêm nói và cho biết thêm, để khắc phục thiệt hại và bù đắp lượng hành khách sụt giảm do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các hãng Hàng không trong nước cần phải nỗ lực nghiên cứu để phát triển thêm những thị trường mới, mở thêm những đường bay mới đến những thị trường có tiềm năng khác. Đồng thời cần đẩy mạnh những hoạt động kích cầu bằng những chương trình giảm giá, khuyến mại và những thông tin khả quan về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Đồng thời, cho phép các DN được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; Xem xét nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam.