Nghịch lý doanh nghiệp vận tải “thờ ơ” trước bão giá xăng

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Giá xăng, dầu liên tục leo thang sau các kỳ điều chỉnh khiến không ít người dân lo ngại về tác động đến giá cước, phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các DN kinh doanh vận tải đang tự xoay sở để giữ khách, có tâm lý chờ đợi... thay vì muốn tạo ra những thay đổi ảnh hưởng đến nguồn cung.

Xe đông hơn khách

Chưa tới 2 tháng nhưng giá nhiên liệu phục vụ kinh doanh vận tải hiện nay đã tăng tới xấp xỉ 30%, điều này tỉ lệ thuận với áp lực phải cân đối tài chính, thu chi của các DN kinh doanh vận tải là rất lớn. Ngược lại, theo chia sẻ của một DN, giá cước vận chuyển trong 3 năm qua chưa có thay đổi, cho thấy nghịch lý trong việc phát triển của ngành kinh doanh vận tải. Do đó, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo ngại về giá cước, phí vận chuyển sẽ tăng theo giá xăng, kéo theo nhiều thay đổi của thị trường.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Mai Hương, Giám đốc Công ty vận tải Visun cho biết, “Chúng tôi đã nhìn nhận ra khó khăn khi các chi phí ngày càng phát sinh, trong đó bao gồm cả giá nhiên liệu, thuế, phí... Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến vận tải, biên đóng cửa, nhỏ giọt, sản lượng hàng hóa sụt giảm, xe ô tô thường xuyên chỉ vận chuyển một chiều, thu nhập từ hòa đến lỗ làm cho DN điêu đứng. Nhưng với tình hình cung nhiều hơn cầu, xe đông hơn khách như hiện tại, DN chúng tôi còn lo mất khách nhiều hơn là chuyện giá xăng tăng như thế nào”.

Mặt khác, ý kiến của một số DN trên địa bàn Hà Nội cho rằng vì mức giá cước, phí hiện nay chủ yếu là do các DN tự áp dựa trên mặt bằng chung của thị trường, do đó để đi đến kết quả đồng thuận số đông về việc tăng, giảm giá cước là điều rất khó thực hiện được. Do đó, không ít DN kinh doanh vận tải hàng hóa đều nhận định đây là thời điểm cần giữ khách, chí ít để đảm bảo nguồn cung, ổn định nhịp hoạt động của DN.

Về phía DN kinh doanh vận tải hành khách, tình hình còn ảm đạm hơn khi không ít nhà xe đã giảm lượt, chuyến trong thời gian qua nhưng vẫn không có khách để phục vụ, đặc biệt là tại các bến xe liên tỉnh. Ghi nhận của PV Giaothonghanoi tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội cho thấy các xe ô tô thường xuyên chỉ xuất bến với số lượng hành khách ít ỏi, nhà xe buộc phải chạy dồn chuyến để cắt lỗ.

Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, ông Đỗ Anh Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, “Với sản lượng xe khách liên tỉnh như hiện tại, “bão” giá xăng dầu cũng không quá ảnh hưởng vì xe đâu có chạy mà lo xăng? Điều khiến DN lo lắng nhiều hơn chính là thời điểm hết vòng giãn nợ ngân hàng, sẽ có nhiều DN không kham nổi dẫn đến nguy cơ phá sản”.

Nghich ly doanh nghiep van tai “tho o” truoc bao gia xang - Hinh anh 1
 Số lượng lớn xe khách nằm "bất động" do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.

Hoạt động cầm chừng

Theo Chuyên gia kinh tế, Thạc sỹ Tạ Việt Anh, hiện tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, buôn bán, giao thương nên việc tăng giá dịch vụ vận tải thời điểm này không hợp lý mặc dù các DN đều phải lo lắng về chi phí để duy trì hoạt động. “Bản thân khách hàng đang sử dụng dịch vụ vận tải cũng là DN, và cũng phải chống chọi với ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tăng giá cước trong thời điểm hiện tại sẽ kéo theo giá trị các loại hàng hóa, thị trường xáo trộn...”, Thạc sỹ Tạ Việt Anh nhận định.

Nhận định về sự “thờ ơ” dù giá xăng đang liên tục đạt đỉnh, và giá xăng từng được tính toán chiếm tới 30% cấu thành giá dịch vụ, Thạc sỹ Tạ Việt Anh cho rằng đây là tâm lý dễ hiểu, ngành nghề kinh doanh vận tải đã trải qua gần 3 năm đóng băng mọi hoạt động nên dễ “chai sạn” hơn trước. Bên cạnh đó, gánh nặng ổn định, duy trì sản xuất, kinh doanh mới là vấn đề cốt lõi mà các chủ DN đang phải đối mặt, ảnh hưởng tới tồn vong của DN lớn hơn nhiều so với vấn đề của giá xăng.

Hiện nay, các DN vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu liên tục tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lượng khách không ổn định, lên xuống thất thường nên chỉ hoạt động cầm chừng tuỳ theo tình hình dịch bệnh và nhu cầu của khách để điều chỉnh hoạt động cho phù hợp.

Cá biệt, có những DN buộc phải để xe “đắp chiếu” vì chạy là lỗ. Theo nhận định của một số chuyên gia, những DN hoạt động lâu năm còn có thể cầm chừng, sống qua ngày. Nhưng điều này là khá khó khăn đối với đơn vị mới đi vào hoạt động, còn đang vay nợ ngân hàng đầu tư phương tiện.

“Tăng giá cước trong thời điểm bùng dịch, các ngành nghề đều đang gặp muôn vàn khó khăn là không phù hợp. Vấn đề của ngành kinh doanh vận tải lúc này là thiếu nguồn khách, nguồn hàng.. nên việc cần làm là chờ đợi Hà Nội qua đỉnh dịch, các hoạt động trở lại bình thường, mở thêm cơ hội tồn tại đối với DN” – Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành Phát, ông Đỗ Văn Bằng

Tin liên quan