Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh: Dám nhìn thẳng vào sự thật để chấn chỉnh

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - “Xe dù, bến cóc” luôn là vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực vận tải hành khách ở nước ta, đặc biệt vào những dịp cuối năm. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Nguyen Chu tich Hiep hoi Van tai o to Viet Nam Nguyen Van Thanh: Dam nhin thang vao su that de chan chinh - Hinh anh 1
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Theo ông đâu là nguyên nhân khiến “xe dù, bến cóc” lại trở nên nhức nhối và khó giải quyết?

- Nguyên nhân thì có rất nhiều. Đầu tiên, đứng về phía hành khách, nhu cầu đi lại và đòi hỏi về chất lượng của người dân ngày một tăng cao. Cộng với thói quen của người dân từ xưa đến nay là ngại đến bến mà thích bắt xe dọc đường, tiện đâu đón xe đấy - hay nói cách khác là tùy tiện. Đây là những lý do cộng dồn khiến “xe dù, bến cóc” chưa bao giờ vắng khách, thậm chí ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động hơn.

Thứ hai, đứng trên phương diện nhà xe. Có thể thấy các nhà xe hoạt động trong bến đang chịu rất nhiều khó khăn, thiệt thòi bởi các thủ tục phức tạp, phiền hà ở đây. Chỉ riêng việc đăng ký vào bến đã mất rất nhiều thủ tục rồi. Khi vào được bến phải chịu tiếp các thủ tục phát sinh khác.

Rồi nhiều loại chi phí trong bến, cả chi phí chính thức đến chi phí không chính thức. Trong khi nếu chạy kiểu hợp đồng lại thoát được những thủ tục hay chi phí này. Thành thử ra nhiều nhà xe bỏ bến ra chạy hợp đồng, thậm chí chấp nhận chạy "dù" là vì lý do này. Đó là mới chỉ phía nhà xe khách chính thống chứ chưa muốn nói đến các loại xe Limousine hay xe chia sẻ như hiện nay, xe công nghệ đi chung...

Thành thử hình thành giờ "bến cóc" còn nhảy lung tung nên khó mà triệt tiêu nó được. Giờ thêm công nghệ điện thoại, mạng xã hội hỗ trợ, chỉ cần tin nhắn hẹn nhau trên mạng hoặc một cuộc điện thoại gọi nhau đến chỗ hẹn là xong. Bảo sao “bến cóc” ngày càng nhiều và “xe dù” ngày càng đông đúc là vậy.

Nói như vậy thì cơ quan quản lý và các lực lượng chức năng không có trách nhiệm gì trong việc để xảy ra vấn nạn “xe dù, bến cóc” sao, thưa ông?

- Đương nhiên là họ cũng có trách nhiệm chứ, nhưng cũng là nguyên nhân khiến “xe dù, bến cóc” nhức nhối như hiện nay. Đứng về phía bến, có thể thấy hiện nay vẫn hoạt động theo mô hình từ xa xưa hàng chục năm, mô hình này đã lạc hậu rồi. Bây giờ hàng không và đường sắt đều đã bán vé qua mạng.

Bến xe vẫn bắt hành khách đến tận nơi mua vé. Dù một số nhà xe đã có dịch vụ đặt vé qua mạng, qua số điện thoại nhưng đấy chỉ là do nhà xe họ tự làm thông qua các đại lý bán vé của họ, còn phía bến xe lại không hề có động thái thay đổi gì so với cách làm thủ công hàng chục năm trước.

Đó là chưa kể chỉ một số rất ít bến có chất lượng phục vụ tốt còn lại hầu hết có diện tích chật chội, mất vệ sinh, an ninh trật tự kém. Mua được vé đã vất vả rồi, đến bến xe còn phải chen chúc xếp hàng để chờ được lên xe. Người dân sẽ tự thấy đến bến để đi xe khách vất vả quá, trong khi chỉ cần một cuộc điện thoại là có xe đón tận nơi. Kể cả có đắt hơn một chút nhưng tiện ích hơn nên chẳng tội gì họ không sử dụng dịch vụ xe này. "Xe dù, bến cóc" vì thế mà ngày càng phát triển.

Còn về phía cơ quan chức năng, có thể khẳng định các đơn vị đều đang lúc túng, chưa thể tìm ra một giải pháp giải quyết triệt để “xe dù, bến cóc”. Giải pháp hiện nay vẫn là thủ công khi lực lượng công an hoặc thanh tra phải trực tiếp đi tìm và đuổi xe tại các bến cóc.

Cách làm này vừa tốn công, tốn sức vừa thiếu hiệu quả vì người ở đâu ra mà đuổi hết được những "bến cóc, xe dù" ngày càng nở rộ. Đó còn chưa kể, như tôi đã nói, bến cóc hiện nay di động liên tục, nay chỗ này mai chỗ khác, đâu dễ phát hiện ra mà đuổi. Việc xử lý cũng chỉ như là "ném đá ao bèo" vậy. Cơ quan chức năng sức đâu mà dẹp hết được. Bắt chỗ này nó sẽ chạy sang chỗ khác ngay.

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến "xe dù, bến cóc" phát triển là do DN vận tải chính thống không mạnh dạn thay đổi, tự làm mới mình để nâng cao chất lượng phục vụ, từ đó kéo hành khách vào bến thay vì ra bến cóc bắt xe. Cá nhân ông nghĩ sao?

- Điều đó không sai. DN vận tải truyền thống lâu nay vẫn ngại thay đổi và không dám nhìn thẳng vào sự thật là mình đã lạc hậu và đã đến lúc phải biết làm mới mình. Nhưng nói gì thì nói, DN cũng có cái khó của họ. Nói là thay đổi cũng không dễ mà thay đổi ngay được. Đấy là vấn đề không hề đơn giản. Hiện nay, tôi đánh giá đầu tư vào vận tải hành khách là một loại hình đầu tư mạo hiểm vì tiềm ẩn không ít rủi ro. Bỏ cả tỉ bạc ra để mua một con xe ô tô mà khi đem ra chạy không có khách, không sinh lời sẽ rất nguy hiểm chứ chẳng chơi.

Vậy theo ông đâu là giải pháp cho vấn đề “xe dù, bến cóc” hiện nay?

- Muốn tìm ra giải pháp để xử lý triệt để vấn nạn "xe dù, bến cóc" thì đầu tiên chúng ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật. Theo tôi, nên tổ chức các cuộc hội thảo để giới chuyên gia, nhà phân tích, cơ quan quản lý Nhà nước, DN vận tải và cả người dân cùng ngồi bàn thảo với nhau. Cùng nhau liệt kê ra hết những vấn đề còn tồn tại của mô hình vận tải hành khách qua bến hiện nay, để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Quan trọng nhất, như tôi vẫn nhắc đi nhắc lại là các bên phải thẳng thắn với nhau và dám đối diện với sự thật.

Chỉ khi đó mới tìm ra được tiếng nói chung cùng tháo gỡ nút thắt lâu nay trong lĩnh vực vận tải hành khách qua bến xe. Mục tiêu cao nhất vẫn phải là phục vụ hành khách, lấy hành khách làm trung tâm, mới kéo được hành khách vào trong bến xe.

Xin cảm ơn ông!

Qúy Nguyễn

Tin liên quan