|
Tại nhiều tuyến đường của thủ đô Hà Nội, những tòa chung cư cao tầng đang xuất hiện với tốc độ nhanh chóng. Ảnh: Zing |
Khu vực đường Kim Ngưu và Minh Khai thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội thời gian gần đây là những điểm nóng về ùn tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi. Nguyên nhân có thể dễ dàng quan sát là do việc thi công giải phóng mặt bằng, song song với việc xây mới các tòa nhà chung cư cao tầng.
Đơn cử như đường Kim Ngưu đoạn giao cắt với đường Minh Khai, chỉ trong phạm vi khoảng 100 mét, có tới 6 tòa tháp thuộc 3 khu chung cư đang được xây dựng. Còn tại đường Minh Khai đoạn từ cầu Mai Động đến chân cầu Vĩnh Tuy, sau khi thi công giải phóng mặt bằng, hàng chục tòa chung cư “lộ diện” và nằm ngay sát trục đường chính với mật độ rất cao.
Một số người dân trong khu vực chia sẻ: "Tôi sinh sống ở đây bao nhiêu năm, nhưng từ khi có các tòa chung cư mới mở thì hầu như ngày nào cũng ách tắc. Mật độ người dân quá đông, cứ mỗi một tòa nhà là vài nghìn người, đường đâu mà chứa được xe cộ".
"Tôi nghĩ với mật độ xây dựng thế này, bụi bay mù mịt thế này, thì có mở rộng đường ra cả 10 làn thì cũng không ăn thua, quá nhiều nhà cao tầng tại khu này. Nếu đi từ bên kia sông sang cầu Vĩnh Tuy bên này thì mới thấy ngột ngạt thế nào".
|
Cần nghiên cứu việc quy hoạch phát triển quỹ đất dành cho bãi đỗ xe tại các quận nội đô
|
Lo ngại của người dân là có cơ sở khi vào giữa năm 2018, liên ngành Sở GTVT Hà Nội và Công an TP đã “điểm danh” 10 điểm nóng về ùn tắc giao thông có nguyên nhân từ việc thi công các công trình. Ông Nguyễn Đức Quỳnh – Chuyên viên phòng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết:
“Để giải quyết, Sở GTVT thường xuyên chủ động phối hợp với các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, công an TP, UBND các quận huyện, các cơ quan quản lý đường bộ để có phương án phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý. Chúng tôi cũng đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo sát sao nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, có những biện pháp ưu việt, tối ưu nhất để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông”.
Trong khi đó, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nhận định: Không thể phủ nhận, những tòa nhà cao tầng đóng góp một phần diện mạo mới cho Thủ đô, đồng thời tạo ra một môi trường sống mới, văn minh hiện đại hơn cho người dân. Đặc biệt, tại Hà Nội, nhà cao tầng là nhu cầu cấp thiết và đã trải qua những giai đoạn phát triển lớn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nhiều bất cập, đáng kể nhất là ách tắc giao thông:
“Tính đến nay, Hà Nội có gần 400 nhà cao tầng, gần 70% là chung cư cao tầng ở các khu đô thị mới. Như vậy tốc độ phát triển nhà cao tầng tại Hà Nội là rất lớn. Chính vì sự phát triển nhanh chóng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề. Trong đó, phát triển nhà cao tầng chưa gắn với phát triển kết cấu hạ tầng khung, đặc biệt là vấn đề giao thông dẫn tới ùn tắc”.
Theo các chuyên gia, sở dĩ có tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều tuyến đường hiện nay, một phần do người thiết kế chủ yếu lấy theo quy chuẩn thiết kế giao thông, đường chính đô thị, đường liên khu vực, đường khu vực… áp dụng chung cho tất cả các đồ án quy hoạch chung. Điều này gây ra sự bất cập trong quá trình phát triển giữa các đô thị có quy mô dân số khác biệt lớn nhưng quy mô mặt cắt đường giao thông lại giống nhau.
Bên cạnh đó, dù đã có các dự án đô thị vệ tinh, song đến nay, vì nhiều lý do, Hà Nội vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến việc chậm trễ trong việc giãn dân, chuyển các cơ quan, công sơ, trường học, bệnh viện ra khu vực ngoại thành.
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, giao thông của người dân, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi cấp phép các dự án nhà cao tầng cần thực hiện đánh giá tác động giao thông cho dự án. Ngoài ra, xây dựng nhà cao tầng ở đâu, khu vực nào, xây dựng thời gian nào cần phải được tính toán cụ thể và tuân thủ theo Quy hoạch chung của thành phố được duyệt, cần hài hòa giữa phát triển nhà cao tầng mà không gây quá tải lên hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông.