Tuy nhiên, tại sao những vi phạm này vẫn có thể “lọt qua” nhiều địa phương, trạm, chốt của các lực lượng chức năng?
|
Tình trạng nhồi nhét hành khách ngày càng diễn ra phức tạp. Ảnh: Internet |
Chuyện thật như đùa
Ngày 1/5, thông qua đường dây nóng của Cục CSGT (Bộ Công an), Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra xe khách BKS 36B - 016.20 từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, CSGT thống kê có 104 người trên xe 45 chỗ, vượt hơn 100% sức chứa của phương tiện. Thậm chí, qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, nhà xe này chạy tuyến Thanh Hóa - Bến xe Nước Ngầm nhưng đã vượt tuyến lên Bến xe Giáp Bát.
Cùng ngày, cũng thông qua phản ánh của hành khách trên xe, Đội Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy đã tiến hành kiểm tra, xử lý xe khách 29 chỗ mang BKS 18B – 020.74 (Nam Định – Phú Thọ) do Nguyễn Ngọc Hà (SN 1970, trú tại Ý Yên, Nam Định) điều khiển “nhồi” đến 73 hành khách. Trước đó, lực lượng CSGT cũng đã phát hiện xe khách 39 chỗ chạy tuyến Mỹ Đình – Nghĩa Lộ (Yên Bái) cũng “nhồi” tới 73 người…
Đối với những vi phạm nêu trên, các lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, dọc tuyến đường mà những chiếc xe vi phạm đi qua có rất nhiều trạm, chốt tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng từ địa phương đến T.Ư, nhưng tại sao những phương tiện này vẫn “bình an vô sự”? Và nếu người dân không phản ánh, có lẽ những phương tiện này cũng sẽ lần lượt “qua mặt” tất cả các lực lượng trên hành trình nó di chuyển.
Quy trách nhiệm cho từng lực lượng
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, tình trạng nhồi nhét hành khách vào những ngày lễ, Tết có kỳ nghỉ kéo dài không phải là vấn đề mới, bởi nó đã tồn tại từ nhiều năm nay.
Theo ông Liên, để khắc phục tình trạng trên, nếu chỉ trông chờ vào tuyên truyền hay những bản cam kết thì chưa đủ, vì lợi nhuận, nhiều lái xe, nhà xe vẫn cố tình vi phạm. Do đó, điều quan trọng để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này là xử phạt thật nặng, thật nghiêm, thậm chí là cắt nốt với những phương tiện cố tình vi phạm.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông thẳng thắn cho rằng để xảy ra tình trạng nhà xe đua nhau “nhồi nhét” hành khách trong thời gian qua có trách nhiệm không nhỏ của lực lượng chức năng từ địa phương đến T.Ư.
“Xe khách nhồi nhét, chở quá số người quy định cũng giống như các loại xe tải chở vật liệu, chỉ cần nhìn độ lún của giảm sóc, tiếng gầm của động cơ… người ta cũng có thể xác định được 80 – 90% xe đó có vi phạm về trọng tải hay không” - một CSGT phân tích.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xe khách “nhồi nhét” hành khách cần xem xét, quy trách nhiệm cho từng đơn vị, từng lực lượng, người đứng đầu các địa phương… nơi phương tiện vi phạm đi qua mà không kịp thời phát hiện, xử lý.
"Trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhận hơn 50 phản ánh từ người dân (bao gồm tin nhắn và cuộc gọi), giảm so với kỳ nghỉ lễ năm 2018. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng chở quá số người, “nhồi nhét” khách, thu tiền quá giá vé quy định, tập trung chủ yếu các tuyến từ Hà Nội - Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Yên Bái và ngược lại." - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng