Những điểm nhấn dễ nhận thấy sau khi “mở cửa bầu trời”

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngành hàng không đã chính thức “mở cửa bầu trời” sau gần 2 năm phải đóng chặt để phòng, chống dịch Covid-19. Việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ vào đúng thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 mang rất nhiều ý nghĩa.

Nhung diem nhan de nhan thay sau khi “mo cua bau troi” - Hinh anh 1
 Nối lại đường bay quốc tế là cơ hội vàng để ngành hàng không nước ta phục hồi.
Ảnh: Nguyễn Tường

Thắp sáng hy vọng phục hồi

Tối 1/1 vừa qua, chuyến bay thường lệ quốc tế đầu tiên chở khách 2 chiều (đi và về) về Việt Nam đã chính thức được thực hiện. Đó là chuyến bay mang số hiệu VN852 của hãng hàng không Vietnam Airlines bay chặng  Phnom Penh (Campuchia) – TP Hồ Chí Minh (Việt Nam).

Dù chỉ có 21 hành khách nhưng đây là chuyến bay mang ý nghĩa lịch sử đối với ngành hàng không. Chuyến bay mang ý nghĩa biểu tượng cho sự trở lại bầu trời quốc tế của hàng không Việt Nam sau gần 2 năm trời gián đoạn vì Covid-19 đồng thời thắp sáng lên hy vọng phục hồi hàng không và du lịch quốc tế trong giai đoạn bình thường mới.

Ngay sau đường bay Việt Nam – Campuchia, hàng loạt đường bay quốc tế khác cũng đồng loạt được nối lại tạo ra bầu không khí sôi động và háo hức rất đặc biệt. Đó chính là cảm giác mà lâu lắm rồi ngành hàng không chưa được nếm trải.

Dịch bệnh Covid-19 khiến cho những người trong ngành hàng không thấu hiểu và trân trọng những phút giây “tung cánh giữa không trung” giá trị đến nhường nào, dù cho trước đó đối với họ đây là điều bình thường như hơi thở cuộc sống.

Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam trong 3 ngày đầu năm 2022 mang tới rất nhiều con số tích cực.

Theo đó, trong 3 ngày đầu khôi phục các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam (từ 1/1 – 3/1) đã có tổng cộng 17 chuyến bay được thực hiện với 1.753 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.

Có 4 sân bay tham gia đón các chuyến bay quốc tế trên là Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Có tất cả 11 hãng hàng không tham gia thực hiện 17 chuyến bay quốc tế đầu tiên. Trong đó Việt Nam có 4 hãng hàng không góp mặt là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines. Còn lại 7 hãng hàng không của 6 quốc gia gồm Thai Vietjet của Thái Lan, Singapore Airlines của Singapore, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Starlux Airlines và China Airlines của Đài Loan, Emirates của UAE,  và Asiana Airlines của Hàn Quốc.

Đặc biệt, vào ngày 4/1, nhà chức trách hàng không Đài Bắc (Trung Quốc) đã có văn bản chỉ định 3 hãng hàng không khai thác chuyến bay giữa Đài Bắc và Hà Nội/TP Hồ Chí Minh là China Airlines, Eva Air và Starlux Airlines.

Bên cạnh đó, hiện còn đường bay đến Trung Quốc (Bắc Kinh, Quảng Châu) chưa mở lại do chưa hoàn tất đàm phán với nhà chức trách hàng không nước này.

Trong thời gian tới, khi việc đàm phán thuận lợi và những đường bay này được nối lại thì số hãng bay quốc tế tham gia vào các đường bay với Việt Nam chắc chắn sẽ còn tăng lên.

Dù trong 3 ngày đầu tiên “mở cửa bầu trời”, số lượng hành khách đi trên mỗi chuyến bay chưa cao (trung bình là 103 hành khách/chuyến bay) nhưng với những tín hiệu tích cực trên thì viễn cảnh sôi động trở lại của các đường bay quốc tế trong thời gian tới là rất sáng sủa.

Nhất là khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, nhu cầu về nước đón Tết của các kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài là rất lớn.

Nhung diem nhan de nhan thay sau khi “mo cua bau troi” - Hinh anh 2
Còn một số vướng mắc, bất cập cần khắc phục tại các chuyến bay quốc tế.

Ảnh: Hòa Thắng 

Bất cập được cảnh báo từ trước

Việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đúng vào thời điểm biến chủng Omicron của dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát dữ dội trên thế giới cũng mang tới nhiều rào cản cho hàng không Việt Nam trong quá trình tiến tới trạng thái “bình thường mới”.

Mối đe dọa lớn từ biến chủng Omicon buộc chúng ta phải triển khai những biện pháp phòng dịch từ xa một cách nghiêm ngặt. Đây là điều rất cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi sự xâm nhập của biến chủng nguy hiểm này nhưng vô chình chung lại tạo ra một số bất cập và phiền toái cho hành khách.

Quy định đang áp dụng với người nhập cảnh vào Việt Nam có nhiều nội dung đáng chú ý như: Hành khách từ 8 thị trường trên lên máy bay cần đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, như có Giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với nCoV có hiệu lực trong 72 giờ; giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19.

Sau khi xuống máy bay hành khách phải test nhanh tại sân bay trong lúc chờ lấy hành lý và chi phí test được hãng hàng không đưa vào giá vé máy bay. Ngoài ra còn có các quy định khác như người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 3 ngày; tiêm chưa đủ liều thì cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày...

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau 3 ngày đầu nối lại đường bay quốc tế, đã có nhiều ý kiến chính thức của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài liên phản ánh một số vướng mắc quá trình thực hiện.

Trong đó các ý kiến tập trung vào yêu cầu thực hiện xét nghiệm nhanh trước và sau chuyến bay có trả phí; nhiều yêu cầu về khai báo y tế tại các địa chỉ, ứng dụng khác nhau gây khó khăn cho hành khách tới Việt Nam; yêu cầu xét nghiệm nhanh cả khi xét nghiệm PCR còn hiệu lực; khi chuyên bay tăng lên, việc xét nghiệm sau khi hạ cánh có thể gây ùn ứ khu vực nhập cảnh…

Qua những thông số ghi nhận từ 3 ngày đầu “mở cửa bầu trời”, các chuyên gia đều bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phục hồi của ngành hàng không trong tương lai gần.  

Tuy nhiên, để triển vọng được hiện thực hóa thì những vướng mắc mà các hãng hàng không phản ánh cần phải được khắc phục ngay lập tức.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không cho biết, vấn đề chi phí test nhanh Covid-19 hay như nhiều ứng dụng khai báo y tế là những điều đã được cảnh báo từ trước khi các đường bay thương mại quốc tế thường lệ được nối lại. Và sự thật là những cảnh báo này đã thành hiện thực.

“Kinh nghiệm mở bay nội địa và những chuyến bay giải cứu, charter combo và thí điểm đón khách du lịch thời gian qua cho thấy, sắp tới sẽ lại đầy rẫy sự ách tắc, phiền toái, tốn kém trong việc mở lại các chuyến bay đón khách vì đến giờ này, nhiều thủ tục, quy định, quy trình hướng dẫn vẫn chưa có” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Theo chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, công tác chuẩn bị cho việc mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ phức tạp và mất thời gian hơn rất nhiều so với bay nội địa.

Bởi, đây không chỉ là chuyện chuẩn bị của các hãng hàng không, ngành hàng không mà là chuyện phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan của hai nước và của chính phủ hai quốc gia.

Cùng với đó, những vướng mắc, bất cập phát sinh cũng khó lường hơn nhiều. “Những vấn đề này cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt” – ông Tống khẳng định.

Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 trước chuyến bay theo thông lệ chung là chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm PCR (thay cho có thêm xét nghiệm nhanh). Trước mắt, cho áp dụng thống nhất thu phí xét nghiệm nhanh trực tiếp từ hành khách (thay cho yêu cầu các hãng thu hộ), và chỉ xét nghiệm 1 lần với tổ bay nước ngoài khi chờ chuyến bay tiếp theo.


Tin liên quan