Việc sớm có phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu xuân năm 2020 là hết sức cần thiết.
Ùn tắc vẫn “nóng”
Như thường thấy, dịp cuối năm, lưu lượng người và hàng hóa dồn về Thủ đô khiến hạ tầng giao thông trở nên quá tải. Tắc đường, kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Theo khảo sát của phóng viên, tại một số tuyến đường hướng tâm vào nội đô, đường vành đai, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra phổ biến, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
Cụ thể, trên các tuyến đường hướng tâm như Tôn Ðức Thắng, Lê Văn Lương, La Thành, Tây Sơn, Khâm Thiên, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Phạm Hùng, Trường Chinh, Kim Mã, Giải Phóng... nếu như trước đây, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ chỉ xảy ra vào giờ cao điểm, thì những ngày này có thể xảy ra tại mọi thời điểm. Tại các điểm giao cắt trên những tuyến đường này, người điều khiển phương tiện thường phải di chuyển rất chậm, thậm chí có lúc phải dừng lại vì mật độ phương tiện quá đông.
|
Ùn tắc giao thông có xu hướng diễn biến phức tạp dịp cuối năm. Ảnh: Giang Nam |
Tương tự, đường Trường Chinh, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng vốn là “điểm nóng” về ùn tắc giao thông. Song từ khi dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy được triển khai, giao thông tại khu vực này càng phức tạp. Do tuyến đường này đang thi công cho nên người dân thường đi tránh vào các phố Vương Thừa Vũ, Nguyễn Ngọc Nại, Hoàng Văn Thái, dẫn đến tình trạng ùn tắc trên địa bàn.
Đường ùn ứ khiến một bộ phận người tham gia giao thông ý thức kém đã thản nhiên vi phạm. Tình trạng người dân di chuyển ngược chiều tại các điểm ùn tắc cũng liên tục tái diễn. Nhìn nhận trên góc độ tổng quan, theo các chuyên gia giao thông, nguyên nhân dẫn đến thực trạng ùn tắc giao thông gia tăng có nhiều, song chủ yếu là do lượng phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh để phục vụ nhu cầu giao thương cuối năm.
Thêm vào đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, chở hàng cồng kềnh… cũng vào dịp “trăm hoa đua nở”. Chưa kể, việc thi công một số công trình giao thông cũng góp phần làm ùn tắc gia tăng.
Ở chiều nhìn nhận sâu hơn có thể thấy ùn tắc giao thông tại Hà Nội một phần xuất phát từ bất cập trong quy hoạch. Dễ thấy, tại các trục giao thông hướng tâm, các khu đô thị, chung cư cứ mọc lên dày đặc hai bên gây nên tình trạng áp lực giao thông tăng cao.
Điển hình như đường Lê Văn Lương kéo dài (nay gọi là đường Tố Hữu) khi mới được đưa vào sử dụng, người dân kỳ vọng có đường "thông, thoáng", giảm tải lưu lượng phương tiện cho đường Nguyễn Trãi, đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường này là nỗi ám ảnh của người và phương tiện mỗi khi qua lại khu vực này.
Chủ động ngăn ngừa
Khách quan nhìn nhận, ùn tắc giao thông gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, gây áp lực cho mỗi người dân, mỗi gia đình. Thời gian qua, các ngành chức năng Thủ đô cũng đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
|
Các lực lượng chức năng ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu xuân năm 2020. Ảnh: Giang Nam |
Ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, năm 2019 Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã triển khai hoàn thành 58 công trình sửa chữa cải tạo chống xuống cấp và công trình thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và tai nạn tại các "điểm đen" trên toàn thành phố Hà Nội. Đến nay có 10/33 điểm ùn tắc giao thông được xử lý, gồm khu vực Vành đai 3 - Pháp Vân - Giải Phóng (nút Hoàng Liệt - Giải Phóng); ngã tư Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ; khu vực ngõ 80,82,84 Chùa Láng; cầu Mọc; Ngã tư Láng - Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Khang - Cầu 361; ga số 6 (Cổng trường đại học Quốc Gia); ga số 7 (gần nút giao Chùa Hà); khu vực ngõ 10 Tôn Thất Tùng; nút giao Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng.
"Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2018, đã xử lý được 10/33 điểm ùn tắc giao thông chuyển tiếp từ năm 2018 và 15/21 điểm đen về tai nạn giao thông", ông Tuấn thông tin.
Tuy nhiên cũng theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dù giảm được 10 điểm ùn tắc giao thông nhưng trong năm qua cũng tăng thêm 10 điểm ùn tắc mới. Về mục tiêu năm 2020, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết sẽ thường xuyên phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân các quận huyện rà soát và có giải pháp khắc phục các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Mục tiêu tiếp tục giảm 5%-10% điểm ùn tắc giao thông năm 2019 chuyển sang.
Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến rất gần, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, phân luồng chống ùn tắc giao thông cùng với việc thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020.
Theo đó, cùng với việc nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết; các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện trong hoạt động vận tải...
Về phía các đơn vị chức năng liên quan cần có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào thành phố… Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Ngoài ra, mọi giải pháp sẽ chỉ là tình thế nếu ý thức của người tham gia giao thông không được cải thiện. Nếu mỗi người dân đều nêu cao ý thức tuân thủ quy tắc, chấp hành hiệu lệnh giao thông, nhường nhịn nhau để cùng đi lại thuận tiện, thì sẽ góp phần giảm thiểu những điểm ùn tắc trong thành phố.