Phát triển hàng hải để giảm áp lực cho đường bộ

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thị phần hàng hóa trên cả nước chiếm tỷ lệ rất lớn nhưng áp lực vận chuyển đang dồn vào đường bộ, do đường thuỷ chưa khai thác hết tiềm năng. Theo Bộ GTVT, cần phát triển hàng hải càng nhanh càng tốt để giảm áp lực cho đường bộ.

Đó là nội dung được trao đổi trong buổi đối thoại giữa Bộ GTVT cùng 180 doanh nghiệp hàng hải và đường thuỷ nội địa chiều 22/3.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, bờ biển dài là lợi thế rất lớn của nước ta. Dọc 3 miền đất nước có nhiều cảng biển lớn, đa dạng, hệ thống đường thủy phong phú song chưa được khai thác hiệu quả.

Mục tiêu của ngành giao thông trong thời gian tới là nâng được thị phần hàng hải, đường thủy nội địa trong nước lên ít nhất 50%. Trong đó, phải nâng thị phần vận tải hàng hóa hàng hải càng nhanh càng tốt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nếu nâng được thị phần vận tải hàng hóa bằng phương tiện vận tải biển nội địa, chúng ta sẽ có cơ hội giảm chi phí logistics, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì bảo dưỡng, đồng thời, số vụ tai nạn giao thông đường bộ trên cả nước sẽ giảm đáng kể.

 

Phat trien hang hai de giam ap luc cho duong bo - Hinh anh 1
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa chiều 22/3. Ảnh: Thu Dung

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng lưu ý hành lang pháp lý là vấn đề rất quan trọng mà Bộ kỳ vọng nhận được góp ý, làm cơ sở tham mưu các cấp, đồng thời phối hợp với các địa phương nhằm đảm bảo mục tiêu xã hội.

 

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện Hiệp hội cảng biển Việt Nam, Tổng giám đốc cảng Sài Gòn cho biết, vận tải biển đang chiếm khoảng 90% tổng lượng vận tải toàn cầu. Điều kiện cần và đủ để có cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên tại Việt Nam là phải có đối tác phù hợp; vị trí gần với các tuyến hàng hải toàn cầu, yếu tố địa lý thuận lợi, nước sâu hơn 15,5m; đồng thời, bãi có thể mở rộng, trang thiết bị công suất lớn.

 

Đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh; thiết lập cơ chế hỗ trợ chính sách, thu hút vốn đầu tư; cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, đề ra cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa.

 

Phát biểu tại hội nghị, đại diện một doanh nghiệp hàng hải, cho hay, khó khăn lớn nhất là vấn đề đầu tư tàu container, đầu tư lãi suất lớn, và đề xuất Nhà nước ban hành chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container; miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container; tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp khác cũng đề xuất việc quản lý, điều chỉnh các chi phí và ưu tiên giá tốt cho các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả Cảng biển Việt Nam.  Đồng thời, cập nhật cảng trung chuyển Cần Giờ vào cảng biển.

 

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cũng đặt vấn đề bổ sung danh mục phương tiện và đề nghị Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu.

 

Hiện mức vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp. Trên thực tế cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, tàu giá trị đầu tư chỉ 300-400 tỷ đồng là cao nhất.

Bộ GTVT cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để hiện thực hóa tiềm năng đường hàng hải Việt Nam. Các cục, vụ, địa phương phải cùng nhau giải quyết triệt để các vướng mắc, trăn trở của doanh nghiệp. Từ đó đề ra nhiều giải pháp xử lý sớm. Đề xuất nào hợp lý thì có điều chỉnh ngay.

Việt Nam hiện có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container đạt sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Nhiều năm qua, lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng hóa cao, ổn định.

 

Tin liên quan