Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT: cần quan tâm đến việc thu hút nguồn lực

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Luật Trật tự ATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/6 lần đầu tiên bổ sung Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT vào luật. Theo các chuyên gia để sử dụng quỹ đúng mục đích và đạt hiệu quả, bên cạnh việc quản lý chặt chẽ thì thu hút nguồn lực là rất quan trọng.

Hợp tình, hợp lý

 

Theo thống kê, những năm gần đây số vụ TNGT ở nước ta tuy giảm về số vụ nhưng tăng về số lượng người bị thương. Theo Uỷ ban ATGT quốc gia, năm 2023 toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 1.285 vụ, giảm 1.922 người chết nhưng tăng 660 người bị thương.

 

TNGT không chỉ gây ra những mất mát to lớn về người và tài sản mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng, dai dẳng gây kiệt quệ về kinh tế, bất ổn về tinh thần cho nạn nhân, gia đình và xã hội.

Quy giam thieu thiet hai TNGT: can quan tam den viec thu hut nguon luc - Hinh anh 1
 TNGT để lại mất mát quá lớn cho nạn nhân, gia đình và xã hội.

Theo các chuyên gia, quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đã được nhiều quốc gia khác trên thế giới thực hiện và phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội hóa ngoài ngân sách nhà nước. Tại Việt Nam, sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý dự thảo, lần đầu tiên Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT được bổ sung vào Luật trật tự ATGT đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Cụ thể, điều 85 Luật trật tự ATGT đường bộ nêu rõ: Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ.

Quỹ được hình thành từ các nguồn tài chính gồm: hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài; từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Quỹ được chi cho các hoạt động: hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do TNGT đường bộ gây ra; tổ chức, cá nhân giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị TNGT bộ đi cấp cứu; hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ mà không được nhà nước bảo đảm kinh phí.

Nguyên tắc hoạt động của Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ là không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ.

Theo các đại biểu và chuyên gia giao thông Quỹ được luật hoá hợp tình, hợp lý, mang tính nhân văn tốt đẹp và tạo sự sẻ chia trong cộng đồng.

Do đây là lần đầu tiên Luật cho phép hình thành Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ và được hình thành trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, từ sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức. Do đó, vấn đề chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ đang chờ các quy định của Chính phủ.

Tối ưu nguồn lực

Chia sẻ trong chương trình Lần đọc đầu tiên trên Truyền hình Quốc hội, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết trong cơ cấu giao thông Việt Nam hiện nay giao thông đường bộ chiếm đến 90%, do đó khi tai nạn xảy ra TNGT cũng ở đường bộ là chủ yếu và để lại những hậu quả rất nặng nề cho gia đình và xã hội.

Việc thành lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội. Tuy nhiên để quỹ đạt hiệu quả như mong đợi phải xác định quỹ ngoài ngân sách chứ không phải ngoài nguyên tắc nên quỹ phải hoạt động đúng theo nguyên tắc. Chính phủ sẽ đưa ra các quy định chặt chẽ về nguyên tắc chi, các phần việc được chi và bộ máy quản lý.

Bên cạnh danh mục chi và các quy định rõ ràng, chặt chẽ cho hoạt động quỹ, việc tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá thu hút nguồn lực cho quỹ là rất quan trọng.

“Thực tế cho thấy, có một số quỹ ngoài ngân sách nhà nước được quy định trong luật sau một thời gian hoạt động khi sơ kết thì kết quả không đạt được như mong đợi vì không thu hút được nguồn lực. Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT cũng vậy, nếu không được tuyên truyền thì không thể huy động nguồn lực và lớn mạnh để thực hiện các dự định tốt đẹp và các phần việc ý nghĩa như kỳ vọng”. – bà Phạm Thị Việt Nga nhìn nhận.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông, tiến sĩ Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia cho rằng Quỹ giảm thiệt do thiệt hại TNGT rất cần thiết nhưng cần hiểu đúng nghĩa của từ giảm thiệt hại TNGT để sử dụng đồng tiền tối ưu, hiệu quả và đúng chỗ.

Theo ông Khương Kim Tạo, bên cạnh việc hỗ trợ nạn nhân và các gia đình bị tai nạn, việc sử dụng quỹ nhằm tuyên truyền về giảm thiểu TNGT ở giai đoạn khác nhau nên điều chỉnh vào các hướng khác nhau.

“Theo tôi, giai đoạn hiện nay nên đầu tư vào công nghệ để kéo giảm số vụ thương vong và giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ TNGT; hoặc nâng cao tốc độ phục hồi của nạn nhân TNGT; nâng cao giáo dục con người để hiểu biết về luật pháp; nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đi xe phán đoán các tình huống và giảm tai nạn. Tuỳ vào từng giai đoạn, nhà nước nên có nghiên cứu để có hướng đầu tư phù hợp và để quỹ hoạt động sao cho hiệu quả." - ông Khương Kim Tạo cho biết.

Từ nay đến khi Luật Trật tự ATGT đường bộ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2025 còn thời gian gần 6 tháng, theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để đưa ra các quy định, hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đạt hiệu quả cao nhất và tối ưu nhất.

Tin liên quan