|
Shipper tại Đà Nẵng mặc áo bảo hộ khi đi giao hàng. Ảnh Bùi Toàn |
Vai trò đặc biệt
Shipper có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác phải thực hiện giãn cách xã hội. Là cầu nối hàng hóa đến tay người dân, để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị ngắt quãng, lực lượng này cần được bảo vệ.
Mới đây, tại Đà Nẵng, 788 nhân viên giao hàng của 14 đơn vị siêu thị, công ty cung ứng thực phẩm như: siêu thị Big C Đà Nẵng, Coopmart Đà Nẵng, cửa hàng tiện lợi Vinmart+... đã được cấp phép giao hàng trên địa bàn trong thời điểm TP áp dụng quy định "Ai ở đâu ở yên đó".
Các shipper tại siêu thị này được tiến hành test nhanh Covid-19 trước khi làm việc. Bên cạnh đó, shipper phải đảm bảo được tiêm vaccine, mang đồ bảo hộ khi giao hàng... cùng các điều kiện nghiêm ngặt khác.
Quá trình di chuyển, shipper phải có thẻ nhận diện tham gia giao thông do Công an TP Đà Nẵng cấp kèm giấy tờ tùy thân. Mô hình shipper mặc quần áo bảo hộ khi đi giao hàng lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và được rất nhiều người hưởng ứng. Việc này, nhằm giảm bớt áp lực cho ban điều hành các tổ dân phố, đồng thời đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người dân được đảm bảo thông suốt, không đứt gãy.
Các chuyên gia cho rằng, áo bảo hộ được thiết kế để bảo vệ toàn bộ cơ thể, đặc biệt là các vị trí dễ tiếp xúc với vi khuẩn nhất như mắt, mũi, miệng, tay. Quần áo bảo hộ khi hủy bỏ dễ dàng phân hủy không gây ô nhiễm ảnh hưởng tới môi trường.
Ngoài ra, áo bảo hộ có tác dụng giúp shipper giảm thiểu việc lây nhiễm virus trong môi trường y tế dự phòng hoặc khi hoạt động trong môi trường có nguy cơ dịch bệnh như trung tâm cách ly, khu vực cách ly, khu chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ nhiễm dịch hoặc người mắc Covid-19 chưa được phát hiện ra. Đồng thời, áo bảo hộ hạn chế được những lần chạm trực tiếp da vào những vật dụng hoặc nơi đã đi qua.
Gần 26 nghìn shipper hoạt động
Trước đó, theo Chỉ thị số 17/CT-UBND, toàn TP Hà Nội giãn cách xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.
Trong thời gian cách ly toàn TP, shipper là nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử (TMĐT) được cho phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ. Các shipper tự do, chủ yếu phục vụ hàng ăn uống tạm dừng hoạt động.
Tính đến hết ngày 24/8, Sở GTVT đã nhận được hơn 27.200 thông tin đăng ký vận chuyển hàng hóa của các tài xế xe môtô hai bánh. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội gửi danh sách 10.402 xe, Sở Thông tin và Truyền thông gửi thông tin 15.121 xe và Sở Nông nghiệp đã gửi 1.741 xe.
|
Hà Nội hiện đã cấp phép hoạt động cho gần 26.000 shipper hoạt động. |
Sau đó, Sở GTVT Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho 25.927 xe, từ chối 1.337 xe do biển số không phải là xe mô tô hai bánh, số thoại không đúng hay một xe đăng ký nhiều đơn vị.
Như vậy có thể thấy, số lượng shipper tại Hà Nội được phép hoạt động trong thời gian giãn cách là không nhỏ. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19. Bởi vậy, việc bảo vệ những shipper trước sự lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19 là vô cùng quan trọng.
Để bảo vệ bản thân, nhiều shipper sẵn sàng mặc quần áo bảo hộ. Anh Phạm Văn Huy, nhân viên giao thực phẩm cho một siêu thị trên địa bàn quận Thanh Xuân chia sẻ: “Tôi có xem trên báo đài về việc shipper ở Đà Nẵng mặc áo bảo hộ khi đi giao hàng. Tôi cho rằng đây là một sáng kiến hay, không những bảo về chính bản thân nhân viên giao hàng mà bảo vệ cả khách hàng trước đại dịch Covid-19”.
Theo anh Phạm Văn Huy, để có thể đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như gia đình và cộng đồng, mỗi chuyến hàng nhận giao anh đều thực hiện các nguyên tắc phòng tránh dịch bệnh Covid-19 như: Rửa tay bằng nước sát khuẩn, thanh toán điện tử, đeo khẩu trang hay hạn chế tiếp xúc với mọi người… Theo mô hình của TP Đà Nẵng đang áp dụng, anh sẵn sàng mặc quần áo bảo hộ khi đi giao hàng. Tuy hơi khó khăn khi hoạt động nhưng anh cho rằng, an toàn là trên hết.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Kim Thoa trú tại quận Hà Đông, một người thường xuyên mua thực phẩm online cho rằng, việc shipper mặc quần áo bảo hộ khi đi giao hàng là một sáng kiến hay trong tình hình dịch phức tạp như hiện nay.
“Tôi nghĩ rằng, Hà Nội và nhiều tình thành nên áp dụng mô hình shipper mặc áo bảo hộ khi đi giao hàng. Việc này, sẽ giúp chúng tôi yên tâm hơn khi mua hàng online” – chị Nguyễn Kim Thoa chia sẻ.