Tách Luật Giao thông đường bộ: Đừng để chồng chéo, lãng phí

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Câu chuyện tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đang làm nóng trên diễn đàn Quốc hội lẫn dư luận xã hội. Không ít những quy định mới thuộc trách nhiệm của hai Bộ chủ quản là Bộ GTVT, Bộ Công an khiến cho nhiều người lo ngại về sự chồng chéo, gây khó khăn cho người dân khi thực thi.

Tach Luat Giao thong duong bo: Dung de chong cheo, lang phi - Hinh anh 1
 

Thực tế, nghiên cứu các điều khoản của hai dự thảo luật trên, khá nhiều vấn đề khiến cho các đại biểu Quốc hội băn khoăn bởi sự trùng lắp. Đơn cử, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định điều chỉnh liên quan tín hiệu giao thông, biển báo dưới góc độ hạ tầng, xây dựng, trong khi dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng điều chỉnh về vấn đề này.

Hay một câu chuyện khác, theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, việc cấp giấy phép lái xe, vốn được giao cho Bộ GTVT đã thực hiện ổn định 25 năm nay, được giao về cho Bộ Công an. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lại bổ sung thêm quy định người có giấy phép lái ô tô muốn hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải. Như vậy, người nào muốn hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải phải trải qua hai lần sát hạch của hai Bộ GTVT và Bộ Công an. Rõ ràng, quy định này làm phát sinh thêm yêu cầu, thủ tục, gây khó khăn cho người dân.

Một trong những bất cập cũng được nhiều đại biểu đặt ra là nếu việc cấp giấy phép lái xe chuyển sang Bộ Công an sẽ dẫn đến sự lãng phí. Bởi sẽ có tới 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ôtô được xã hội hóa 100% phải dừng hoạt động và hơn 2.000 cán bộ công chức, viên chức mất việc. Trong khi đó, Bộ Công an sẽ phải bổ sung biên chế, tổ chức bộ máy và ngân sách tương tự để thực hiện việc này. "Nếu tách luật này, tới đây các Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa có tách ra nữa không?" - đại biểu Nguyễn Văn Được (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề.

Giao thông đường bộ có vai trò quan trọng, là mạch máu của nền kinh tế đất nước. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, hạ tầng giao giao thông còn nhiều hạn chế, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp trở thành mối lo của toàn xã hội. Việc điều chỉnh, xây dựng khung pháp lý mới để quản lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn là cần thiết, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Tuy nhiên, luật cần phải có tính thống nhất, dễ áp dụng, tránh phát sinh lãng phí, tiêu cực, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện. Nói cách khác, khi xây dựng luật, đừng chỉ soạn thảo theo hướng thuận lợi cho cơ quan quản lý mà đẩy khó khăn về phía người dân. Trong lúc này, việc lắng nghe những góp ý của đại biểu Quốc hội lẫn dư luận là cần thiết để có bộ luật bảo đảm tính thực thi.

Thiên Tú

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h