|
Tai nạn xe điên tối 22/4 |
Rồi thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu bia, ma túy, gây ra những cái chết oan ức cho người dân. Hậu quả nghiêm trọng đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Với tần suất xảy ra ngày càng nhiều TNGT nghiêm trọng thì không ai trong chúng ta vô can trước những cái chết thương tâm ấy.
Càng ngày, những vụ tai nạn liên hoàn, thảm khốc càng trở thành nỗi ám ảnh đối với toàn xã hội. Những “hung thần” say xỉn hay phê pha ma túy vẫn đang cầm vô lăng, đe dọa an toàn tính mạng và sức khỏe của người tham gia giao thông. Không một ai có thể dám chắc sẽ an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông mà luôn tự đặt câu hỏi liệu mình có phải nạn nhân tiếp theo của những hung thần ấy hay không? Hồi chuông cảnh báo vấn nạn tài xế “xe điên” đang gióng lên gấp gấp hơn bao giờ hết, đòi hỏi cả xã hội phải chung tay vì an toàn của chính mình và cộng đồng.
Để những kẻ coi thường tính mạng người khác, cầm lái khi đã hóa thân thành “ma men”, con nghiện, trước hết là trách nhiệm của những cơ quan chức năng và DN vận tải. Thực tế cho thấy, việc đào tạo lái xe trên cả nước đang gặp không ít thất bại, do bài học đạo đức không được truyền tải một cách nghiêm túc, thiết thực đến người lái xe. Những kỳ thi sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cũng chưa bắt buộc phải vượt qua bài thi “đạo đức”. Đó là lỗ hổng lớn, cho thấy nhiều năm qua, ngay chính hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe, các cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa nhìn nhận đúng giá trị của bài học đạo đức.
Cùng với đó là cả một khoảng trống lớn trong việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, chất gây nghiện với lái xe. Để kiểm soát được từ gốc, một cách chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả cần các DN vận tải phải vận động bằng chính nội lực của mình. Có thể khẳng định, không một cơ quan chức năng nào kiểm soát được người lái xe chặt chẽ, hiệu quả hơn DN. Nếu DN có ý thức chấp hành luật pháp, thận trọng trong việc giao tay lái cho những tài xế có đạo đức, có trình độ chuyên môn, chắc chắn sẽ góp phần lấp đầy khoảng trống quản lý hiện nay. Nên nhớ rằng, trong mỗi vụ tai nạn thảm khốc, không chỉ nạn nhân, tài xế mà chính DN cũng phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề, thậm chí là “sạt nghiệp”. Bởi vậy, siết chặt quản lý đối với lái xe cũng chính là vì bản thân DN.
Chúng ta không thể mãi thờ ơ hay chấp nhận những con “ma men”, con nghiện ôm vô lăng, phóng xe “điên” trên đường. Cả xã hội cần chung tay, lên án vi phạm, thúc giục các cơ quan quản lý, đơn vị chức năng và DN, phải có những biện pháp mạnh, quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa đối với người lái xe.