Biện pháp cứng rắn trên được đưa ra đúng lúc trong bối cảnh dư luận đang hướng thẳng về phía các nhà đầu tư BOT như thể họ là “thủ phạm” khiến cho việc triển khai dự án thu phí không dừng bị chậm tiến độ.
Câu chuyện được đẩy lên tới đỉnh điểm khi sáng 8/7, các nhà đầu tư BOT đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT về những vấn đề liên quan đến việc triển khai thu phí tự động không dừng. Có lẽ chưa bao giờ buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ GTVT và các DN BOT giao thông lại diễn ra căng thẳng đến thế. Hàng loạt thắc mắc được các nhà đầu tư đưa ra cho Thứ trưởng Bộ GTVT, trong đó có cả những nhà đầu tư của các dự án BOT nằm trong danh sách sẽ phải tạm dừng thu phí như “tối hậu thư” của Tổng cục Đường bộ.
Đại diện BOT Đức Long – Gia Lai là một trong những đơn vị ngạc nhiên hơn cả bởi nhà đầu tư này khẳng định đã ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng từ lâu và hiện nay vẫn đang trả phí cho đơn vị cung cấp VETC nhưng không hiểu vì lý do gì dự án BOT của họ lại bị liệt vào danh sách sẽ bi dừng thu phí vì chưa ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng.
Không những thế, đại diện BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, BOT Đèo Cả... cũng thắc mắc tỷ lệ doanh thu trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng theo điều chỉnh mới của của Bộ GTVT là quá cao đồng thời chi phí lắp đặt thu phí tự đồng không dừng khiến phương án tài chính của dự án tăng và kéo dài thời gian thu phí. Đại diện BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp cho rằng, lắp đặt thu phí tự động không dừng với mục tiêu vừa công khai, minh bạch công tác thu phí, vừa tiết kiệm tối đa chi phí cho việc thu phí BOT. Thế nhưng, với cách tính của Bộ GTVT, chi phí cho thu phí tự động không dừng có nguy cơ cao hơn cả thu phí thủ công đang triển khai. Đây là sự phi lý và tạo ra gánh nặng tài chính cho DN và người dân.
Trước thắc mắc trên của nhà đầu tư, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã không thể đưa ra được lời giải thích gãy gọn nào trong khi Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng chỉ biết lắc đầu. Lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải có sự nghiên cứu và xem xét lại tất cả những thắc mắc của nhà đầu tư. Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định sẽ yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Đường bộ rút lại thông báo tạm dừng thu phí tại 4 dự án BOT.
Dù vẫn còn những ấm ức chưa được giải tỏa hết nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng, sau buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT vào sáng 8/7, nhiều khúc mắc trong lòng họ sẽ được giải quyết. Chỉ có điều, “tối hậu thư” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dẫu sẽ bị thu hồi như lời khẳng định của Thứ trưởng Lê Đình Thọ thì nó cũng đã kịp gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà đầu tư BOT. Như đại diện BOT Đức Long - Gia Lai đã phải thốt lên, sau khi có “tối hậu thư” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhiều DN vận tải gọi điện hỏi họ rằng tại sao phải dừng thu phí và có thể gây ra làn sóng rút tiền đã mua vé tháng, gây xáo trộn, bất ổn cho trạm thu phí. Hiện chưa có con số thống kê về thiệt hại nhưng sau câu chuyện này phần nào cũng cho thấy hậu quả “bút sa gà chết” bởi sự vội vàng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.