Taxi điện ra đời, thêm thách thức mới cho taxi xăng

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ ngày 14/4, taxi điện sẽ chính thức hoạt động tại Hà Nội. Việc taxi điện ra đời sẽ buộc các hãng taxi xăng truyền thống phải chuyển mình nếu muốn tồn tại.

Ưu tiên phát triển

Tại Hà Nội, để giảm mật độ phương tiện, trong đó có taxi, theo quy hoạch về phát triển, quản lý taxi, thành phố đã dừng cấp phép mới số lượng xe từ năm 2014. Hiện, số lượng xe taxi trên địa bàn đang được giữ ở mức ổn định là hơn 19.000 xe từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố cũng có khoảng 50.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Mới đây, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Tập đoàn Vingroup) vừa công bố sẽ chính thức đưa vào vận hành dịch vụ taxi điện và cho thuê ô tô, xe máy điện tại Hà Nội từ ngày 14/4/2023 khiến nhiều người dân Hà Nội bày tỏ sự quan tâm. Đơn vị này cho hay, đây là bước khởi đầu cho kế hoạch phủ sóng taxi Xanh SM tới ít nhất 5 tỉnh, thành phố trên cả nước ngay trong năm nay.

Theo công bố, khách hàng tại Hà Nội có thể lựa chọn hai dịch vụ di chuyển xanh và thông minh của Taxi Xanh SM là GreenCar và LuxuryCar, với hai loại xe tương ứng trong giai đoạn đầu là VinFast/ VF e34 và VinFast VF 8.

Taxi dien ra doi, them thach thuc moi cho taxi xang - Hinh anh 1
Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM vừa công bố sẽ chính thức đưa vào vận hành dịch vụ taxi điện và cho thuê ô tô, xe máy điện tại Hà Nội từ ngày 14/4/2023. 

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, đội ngũ tài xế được tuyển chọn khắt khe, có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

“Dịch vụ LuxuryCar sẽ là lựa chọn đẳng cấp cho những khách hàng đề cao tính riêng tư và mong muốn tận hưởng các dịch vụ xuất sắc. Cả tài xế và hành khách được trải nghiệm dịch vụ xe taxi điện không mùi, không tiếng động cơ, dịch vụ 5 sao và mang lại lợi ích cho sức khỏe về lâu dài”, ông Thanh nói và cho biết, mô hình của GSM giống với mô hình của taxi truyền thống về mặt vận hành, khác biệt ở đây là phương tiện hiện đại, nhiều tính năng thông minh.

Người dân có thể đặt taxi thông qua số tổng đài của hãng, đặt tại các khu vực có điểm đỗ taxi hoặc có thể đặt ngay trên ứng dụng thông minh của hãng.

Liên quan đến việc một số lượng lớn taxi điện sẽ được đưa vào hoạt động liệu có ảnh hưởng đến tình hình giao thông trên địa bàn, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc phát triển phương tiện vận tải công cộng cần phải được ưu tiên. Bởi, một chiếc xe taxi một ngày có thể vận chuyển nhiều lượt người hơn ô tô cá nhân.

Theo Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP Hà Nội ông Nguyễn Tuyển, về việc từ năm 2014, Hà Nội khống chế số lượng taxi không quá 19.000 xe, giờ lại thêm taxi điện, vị này thông tin, quy hoạch taxi của Hà Nội đến năm 2023 có 23.000 xe. Thực tế, từ sau dịch Covid-19 đến nay, số xe giảm chỉ còn khoảng 60% so với trước, tương đương khoảng hơn 11.000 phương tiện.

Như vậy, theo đại diện sở GTVT TP Hà Nội, số lượng taxi vẫn còn thiếu nhiều so với quy hoạch. Đơn vị nào đủ điều kiện cần được ủng hộ để phục vụ người dân tốt nhất, góp phần giảm phương tiện cá nhân. Hà Nội sẽ phát triển taxi điện và các loại hình xanh, sạch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ theo lộ trình.

Ủng hộ việc các doanh nghiệp taxi sử dụng xe điện để thay thế xe chạy xăng, nhưng ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, vẫn cần tuân thủ quy hoạch để không được làm tăng số lượng taxi trên địa bàn Hà Nội, tránh tăng thêm ùn tắc. Hoạt động ở bất cứ địa phương nào taxi cũng phải tuân thủ quy định về quản lý của địa phương đó.

Điện hóa xe taxi

Ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc Taxi Thăng Long cho rằng, khi taxi điện ra đời chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị phần của các hãng taxi truyền thống.

Theo ông Long, một lượng lớn khách hàng tại các khu đô thị, trung tâm thương mại của VinGroup sẽ chuyển sang dùng dịch vụ này, với tâm lý trải nghiệm. Giá cả có thể đắt hơn taxi truyền thống, nhưng nếu dịch vụ tốt, khách hàng có lẽ vẫn sẵn sàng bỏ tiền.

“Kinh doanh taxi hiện nay toàn các doanh nghiệp lớn như Grab, Be, Gojek, đến nay thêm cả VinGroup. Các hãng taxi truyền thống sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, nếu vẫn làm manh mún như trước đây sẽ không cạnh tranh được. Về lâu dài, các hãng taxi truyền thống buộc phải sáp nhập để nâng cao tính cạnh tranh, giành thị phần” - ông Long cho biết thêm.

Taxi dien ra doi, them thach thuc moi cho taxi xang - Hinh anh 2
Việc taxi điện ra đời đặt ra nhiều thách thức với taxi xăng truyền thống.

Theo lộ trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện tại Quyết định 876/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, doanh nghiệp taxi khi thay thế, mua mới phải chuyển đổi sang xe điện. Tuy nhiên, với giá cả xe điện như hiện nay là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp muốn chuyển đổi.

Tại Việt Nam, VF e34 có giá 710 triệu đồng, VF 8 giá từ 1,129 tỷ đồng (bao gồm VAT, không kèm pin).

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp taxi tại Hà Nội cũng đã lên kế hoạch đưa taxi điện vào hoạt động thay thế dần xe chạy xăng. Tuy nhiên, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (đơn vị đang có 300 xe taxi hoạt động bằng xăng) chia sẻ, doanh nghiệp có thể đầu tư xe điện nhưng mong muốn được đơn vị cung cấp có thể xây dựng trạm sạc miễn phí thay vì tính tiền sạc theo giờ, km. “Vì thực tế nếu tính theo giá mà VinFast đang đưa ra, chúng tôi hoạt động chỉ có lỗ” - ông Hải nói.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch để giảm ô nhiễm môi trường là rất cần thiết, song để thực hiện được là không đơn giản. Việc điện hóa taxi cần cơ chế chính sách, nguồn hỗ trợ lớn từ Nhà nước, nếu không doanh nghiệp khó đủ nguồn lực.

“Chẳng hạn, nếu hãng taxi Mai Linh hiện nay chuyển sang xe điện, số tiền cần tới cả nghìn tỷ đồng nên sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, còn có các rào cản khác như hạ tầng trạm sạc. Để xây một trạm sạc sẽ mất khoảng 2 tỷ đồng, liệu Nhà nước có hỗ trợ không? Sau này pin hết hạn xử lý về môi trường thế nào?

Chúng tôi đã tham khảo đơn giá niêm yết cho thuê taxi điện của GSM. Ví dụ một chiếc VF e34, giá cho thuê là 11 triệu đồng, thuê pin là hơn 3 triệu đồng. Để hoạt động, doanh nghiệp sẽ phải trả tiền điện để sạc khoảng 2 triệu đồng/tháng cộng với thu phụ phí nếu vượt hạn mức sẽ thu thêm phụ trội 1.265 đồng/km.

Mỗi tháng, một chiếc ô tô điện sẽ tiêu tốn gần 20 triệu đồng tiền dịch vụ và khấu hao. Với hàng trăm xe cần chuyển đổi, đa số các doanh nghiệp khó có nguồn lực để tiếp cận được” - ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Hãng taxi G7 cho biết, giá cả của xe điện quá cao sẽ khiến thời gian thu hồi vốn kéo dài, giá cước cũng vì thế đội lên, khó cạnh tranh với các loại hình dịch vụ khác.

 

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h