Tăng khả năng kết nối
Sáng 28/11, Trường Đại học Công nghệ GTVT phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT TP Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt chương trình “Thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT: Từ nhà chờ BRT Văn Khê đến trung tâm thương mại AEON Hà Đông”.
Chương trình thí điểm nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ GTVT và 46 đối tác quốc tế: “Tích hợp các giải pháp di chuyển bằng điện tại các đô thị trong bối cảnh Thỏa thuận Paris, các Mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình Nghị sự đô thị mới”, đã được Ủy ban châu Âu phê duyệt tài trợ nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và các giải pháp về giao thông điện bền vững.
|
Trường Đại học Công nghệ GTVT phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT TP Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt chương trình “Thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT: Từ nhà chờ BRT Văn Khê đến trung tâm thương mại AEON Hà Đông”. |
Mục tiêu của chương trình thí điểm nhằm hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân TP Hà Nội; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành giao thông công cộng và kết nối giao thông công cộng trên địa bàn; nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông sạch và thông minh góp phần thực hiện thành công cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.
Đồng thời, thông qua chương trình thí điểm nhằm phát triển mô hình kinh doanh để kết nối đầu cuối các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe điện 2 bánh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường không khí tại thành phố Hà Nội.
Phương án thí điểm cho phép người dùng sử dụng xe điện 2 bánh miễn phí thông qua phầm mềm quản lý (V-Share) để kết nối hành khách đi xe buýt BRT, xe buýt thường gần khu vực trạm dừng BRT Văn Khê tới Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông và ngược lại.
Lộ trình tuyến bắt đầu từ đường cổng chính vào khu đô thị Dương Nội, qua khu An khang Vila, rẽ phải theo đường công viên, rẽ trái ra Ngô Thì Nhậm kéo dài (mặt trước công viên Thiên Văn Học), vào cổng số 5 của TTTM AEON Mall Hà Đông. Cự ly tuyến: 2,3 km.
Trao đổi với Giaothonghanoi, ông Vũ Ngọc Khiêm – Chủ tịch hội đồng trường Đại học Công nghệ GTVT chia sẻ: “Dự án được chúng tôi bắt đầu triển khai từ năm 2020, đến thời điểm hiện tại đã được hoàn thành và đưa vào thí điểm. Chúng tôi chọn xe đạp điện với mục đích nhằm thay đổi dần thói quen của người dân, trước mặt sử dụng xe điện, sau đó sẽ đánh giá và nghiên cứu chuyển đổi sang xe đạp thường. Bên cạnh đó, dự án nhằm mục đích tăng khả năng kết nối và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng để đi lại”.
Theo ông Vũ Ngọc Khiêm, đối với loại phương tiện này, sẽ được quản lý, giao nhận xe hoàn toàn bằng phầm mềm điện tử cùng đội hỗ trợ. Bên cạnh đó, vẫn cần phải nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo quản và giữ gìn phương tiện.
“Giai đoạn đầu, chúng tôi lựa chọn tuyến phố này, vì có sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, ngoài ra có nhiều người di chuyển trên tuyến đường và tuyến chưa có xe buýt hoạt động. Trong quá trình thí điểm, chúng tôi sẽ đánh giá và đề xuất tiếp, tiến tới xây dựng mô hình để triển khai những dự án tương tự” - ông Vũ Ngọc Khiêm thông tin thêm.
Nghiên cứu nhân rộng
Trao đổi với Giaothonghanoi, bà Trần Phương Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết: “Đây là chương trình xe đạp điện công cộng đầu tiên được thí điểm tại Hà Nội, hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức của người dân sử dụng phương tiện giao thông xanh và nâng cao tính kết nối hành khách với những phương tiện công cộng khác”.
Theo bà Trần Phương Thảo, dự án hướng tới đối tượng sử dụng là tất cả người dân. Xe đạp điện sẽ được thí điểm từ 8h30 đến 21h hàng ngày với 50 chiếc, chia làm 4 loại. Trong thời gian thí điểm, người dân sẽ hoàn toàn được sử dụng miễn phí.
|
Xe đạp điện công cộng được người dân sử dụng trên đường Hà Nội sáng 28/11. |
“Chúng tôi sẽ đánh giá hàng ngày về lượng hành khách sử dụng xe đạp điện và cả các tuyến xe buýt được kết nối. Ngoài BRT, nhiều tuyến xe buýt khác cũng được kết nối tại điểm này. Khi đưa vào thí điểm, chúng tôi kỳ vọng người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn. Những xe đạp này rất phù hợp kết nối những tuyến đường ngắn”.
Bà Trần Phương Thảo thông tin, người dân chỉ cần tải app sau đó đăng ký tài khoản cá nhân giao nhận xe qua phần mềm điện tử. Sau 6 tháng thí điểm, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội sẽ phối hợp với trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và các ban nghành liên quan đánh giá hiệu quả và báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở GTVT xem xét nhân rộng mô hình này.
Ông Trần Trọng Tuấn (trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cho biết: “Tôi thường xuyên sử xe buýt để đi lại, việc có xe đạp kết nối sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Bên cạnh đó đây là loại phương tiện rất nhẹ nhàng, đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt xe điện kết nối với xe buýt này có tốc độ rất phù hợp để di chuyển tại các khu đô thị đông người”.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, khi có xe đạp công cộng ở nhiều nơi, người dân sẽ giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, về lâu dài sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Ông Phạm Văn Bê (trú tại phường La Khê, quận Hà Đông) cho biết: “Sau khi trải nghiệm, tôi thấy rằng phương tiện này rất dễ sử dụng phù hợp với di chuyển trong nội đô. Trước đây đến trung tâm thương mại, sau khi di chuyển bằng xe buýt, chúng tôi phải di taxi hoặc xe ôm nhưng nay hoàn toàn có thể chủ động di chuyển bằng xe đạp điện. Tôi hy vọng rằng, mô hình này sớm được mở rộng ra nhiều địa điểm xe buýt khó tiếp cận trên địa bàn thành phố Hà Nội”.