Thông tư 67/2019/TT - BCA: Chờ hiệu quả từ việc giám sát chéo

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chính xác, trung thực, đa diện, đa chiều và khách quan luôn là mục tiêu tối thượng của thông tin nhằm đảm bảo sự công bằng và xác tín.

Thong tu 67/2019/TT - BCA: Cho hieu qua tu viec giam sat cheo - Hinh anh 1

Đặc biệt là trên lĩnh vực thực thi pháp luật, sự khách quan và đa chiều càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nói đến vấn đề này, xưa nay chúng ta vẫn luôn có một câu khẩu hiệu, đó là mọi người đều luôn bình đẳng trước pháp luật.

Câu chuyện được nhắc đến ngày hôm nay là quy định người dân được giám sát lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) bằng ghi âm, ghi hình. Điều này được thể hiện rõ trong Thông tư 67/2019/TT - BCA của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Thông tư đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1. Đây là một trong những thông tư được dư luận rất chờ đợi trong suốt thời gian vừa qua.

Theo quy định trong Thông tư 67, người dân sẽ có 5 hình thức giám sát đối với lực lượng CAND trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Thứ nhất, giám sát thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Và, hình thức thứ năm cũng là nội dung được chờ đợi nhất, đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Đây là lần đầu tiên Bộ Công an có quy định chi tiết về hình thức giám sát này. Đương nhiên, việc thực hiện quyền giám sát của người dân bằng thiết bị ghi âm, ghi hình phải đảm bảo các điều kiện như không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Tại sao nói quy định cho phép người dân được giám sát CSGT qua thiết bị ghi âm, ghi hình là nội dung được dư luận chờ đợi? Đầu tiên đó là quy định nên có để đảm bảo tính khách quan và công bằng trong quá trình thực thi pháp luật hay như đã nói ở trên, để tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau trước pháp luật. Bình đẳng thể hiện trước tiên là quyền giám sát chéo giữa người dân và đơn vị thực thi pháp luật. Trong câu chuyện này là lực lượng CSGT. Khi CSGT, bằng các biện pháp nghiệp vụ, thu thập bằng chứng về vi phạm của người dân khi tham gia giao thông thì ngược lại, người dân cũng có quyền thực hiện lại việc giám sát đối với họ. Điều này vừa đảm bảo việc bắt lỗi của CSGT được khách quan, chính xác, vừa giúp người dân thực hiện quyền công dân của mình, đó là giám sát cơ quan thực thi pháp luật.

Trên thực tế, câu chuyện quyền giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT đã được đem ra bàn luận từ rất lâu. Đây cũng là một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong suốt thời gian qua. Sự ra đời của Thông tư 67/2019 của Bộ Công an có lẽ sẽ là lời phân giải đủ sức nặng nhất với cuộc tranh luận kéo dài này. Sẽ còn có những ý kiến không hài lòng nhưng trên hết, việc tạo ra cơ chế giám sát chéo giữa CSGT và người dân trong công tác thực thi pháp luật về trật tự, ATGT là điều quan trọng nhất. Cơ chế giám sát chéo này sẽ đảm bảo sự công bằng, khách quan nhất giữa cả lực lượng chức năng và người bị xử phạt, để tất cả mọi người dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật.

Quý Nguyễn

Tin liên quan