|
Hà Nội dự kiến lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông. |
Cấp thiết
Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu người đăng ký thường trú; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 9,75% (mục tiêu từ 20 - 26%); tốc độ tăng trưởng ô tô là 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm. TP hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ôtô các loại), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện vãng lai thường xuyên tham gia đi lại trên địa bàn TP. Lượng phương tiện quá lớn và không ngừng gia tăng từng ngày đã dồn một áp lực vô cùng lớn lên hạ tầng giao thông.
UTGT diễn ra thường xuyên trên nhiều trục đường lớn, các khu vực tập trung đông dân cư, cơ quan, công sở, trường học... Năm 2017, HĐND TP, UBND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết thực hiện “Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nội dung chính của Đề án là giảm thiểu phương tiện cá nhân nhằm giảm UTGT cũng như ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.
Mới đây, đơn vị tư vấn đã gửi GTVT Hà Nội một Đề án thành phần trong chương trình hạn chế phương tiện cá nhân của TP với tên gọi: “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào”. Theo đó, TP sẽ xây dựng phương án thu phí phương tiện xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ UTGT, ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn, coi đây là giải pháp kinh tế để hạn chế xe cá nhân. Loại phí này sẽ có tên định danh là Phí giảm UTGT và ô nhiễm môi trường; người sử dụng phương tiện có thể lựa chọn không trả phí và đi theo cung đường khác, hoặc phương tiện công cộng thuộc diện không phải đóng phí, nghĩa là loại phí không bắt buộc.
Theo Đề án, ranh giới khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3. Chu vi khu vực thu phí khoảng 51km, diện tích khoảng 150km2; trên cơ sở các tuyến đường khép kín, dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí được đặt, áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC), kết hợp công nghệ thu phí với hệ thống camera giám sát để đảm bảo không gây UTGT tại các trạm. Thời gian đề xuất thu phí xe ô tô vào nội thành thuộc khung từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho biết, đã có nhiều quốc gia áp dụng phương thức này và đạt hiệu quả trong hạn chế số lượng phương tiện cá nhân, cũng như thay đổi thói quen sử dụng phương tiện đi lại, thúc đẩy phát triển cho phương tiện công cộng.
Đưa công nghệ vào thu phí
Anh Lê Văn Khánh (Phượng Nghĩa, Chương Mỹ) chia sẻ: “Tôi đi làm ở quận Hoàn Kiếm, cách nhà mấy chục cây số, đi lại bằng xe máy cũng rất vất vả nhưng xe buýt đi chậm, lại phải đổi tuyến nhiều lần rất bất tiện nên tôi không có lựa chọn nào khác”. Anh Lê Văn Khánh cho rằng, việc cấm xe cơ giới đi vào trung tâm TP để giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường là rất tích cực nhưng đi cùng với đó TP cũng cần quan tâm đến hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển.
TS giao thông đô thị Đăng Minh Tân phân tích, trên thực tế, lo ngại của người dân là có cơ sở. Những khu vực được đề xuất thu phí xe cơ giới đi vào đều là khu vực đông dân cư, nhiều cơ quan, công sở, trường học, lượng phương tiện qua lại đông, nếu không có biện pháp căn cơ, khoa học rất có thể sẽ gây ùn tắc trong một số thời điểm. Nhiều chuyên gia đề xuất, muốn thực hiện phương án thu phí để nhắm tới mục tiêu tác động vào ý thức của người dân, làm thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, Hà Nội phải làm thật tốt hai phần việc. Thứ nhất là làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân. Thứ hai là phải ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc thu phí, tổ chức phân luồng từ xa đảm bảo không để xảy ra ùn tắc tại các trạm, không gây phiền hà cho người dân.
Mặt khác, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, trước hết TP cần hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng với các tuyến đường sắt đô thị, mạng lưới xe buýt... để người dân có phương án thay thế xe cá nhân. Nhiều đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng các biện pháp gia tăng thuế phí lên xe cơ giới cá nhân từ hàng chục năm qua. Mục đích của các biện pháp này là khiến người dân từ bỏ thói quen sử dụng xe riêng, đi lại chủ yếu bằng phương tiện vận tải công cộng. Ở Nhật Bản, Anh hay nhiều quốc gia khác, phí đỗ xe, phí ra vào nội đô rất đắt đỏ, khiến người dân giảm thiểu ham muốn đi lại bằng một chiếc xe riêng, thay vào đó là đi bằng xe buýt, tàu điện... Chính nhờ những chế tài kinh tế nghiêm khắc đó, lượng xe cá nhân tại nhiều đô thị giảm đáng kể, UTGT theo đó cũng được kiềm chế, các chỉ số môi trường ở ngưỡng an toàn, tốt cho sức khỏe người dân.
Hà Nội đang rất cần những quyết sách mạnh mẽ để giảm thiểu xe cá nhân, hạn chế UTGT, ô nhiễm môi trường. Mà những quyết sách lớn rất cần quyết tâm mạnh mẽ, dám nói, dám làm, làm một cách khoa học, chắc chắn, làm đến đâu người dân thấy hiệu quả đến đấy.
TS Đặng Minh Tân |
Phương án thu phí xe vào nội độ có ba giai đoạn. Theo đó từ năm 2021 – 2025 nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí. Từ năm 2025 - 2030 xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ năm 2030 xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.
Việc thu phí nội đô để giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường Thủ đô là cần thiết. Tuy nhiên để thực hiện được, Hà Nội cũng như cả nước cần sớm áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành giao thông; phương tiện ra vào nội đô đều được giám sát bằng hệ thống camera và thu phí tự động để tránh gây ùn tắc tại các trạm thu phí. Đặc biệt, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe tại các tuyến đường vành đai, cũng như bố trí mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện để phục vụ người dân ngoại thành, ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe, đi lại thuận tiện bằng giao thông công cộng.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên |