Rút ngắn thời gian di chuyển
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay có 154 tuyến xe buýt, kết nối đến tất cả quận, huyện trên địa bàn TP. Tuy nhiên mạng lưới tuyến vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, trên các trục chính.
PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu - Trường Đại học GTVT cho hay: “Ngay trong nội đô, nhiều khu vực người dân vẫn phải đi bộ trên 500 - 1.000m mới tiếp cận được xe buýt. Cá biệt có khu vực khoảng cách tiếp cận lên đến 1,5km”.
Cùng với đó, toàn TP có 4.405 điểm dừng xe buýt nhưng chỉ 8% điểm dừng có nhà chờ, chủ yếu tập trung trong nội thành và đã xuống cấp.
Trong bối cảnh Hà Nội có hơn 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt được coi là một trong những giải pháp khả thi, bền vững để từng bước giảm ùn tắc giao thông.
Các chuyên gia cho rằng, để xe buýt phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Hà Nội cần thực hiện liên tục, đồng bộ nhiều giải pháp.
PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu cho biết, xe buýt hiện nay vẫn thiếu không gian lưu thông dành riêng, ảnh hưởng đến vận tốc và thời gian chuyến đi. Thời gian di chuyển của những chuyến xe buýt quá dài, giữa các lượt chuyến vẫn còn khoảng trống, hành khách phải chờ đợi quá lâu do tắc đường,... khiến loại hình VTHKCC này còn kém hấp dẫn.
Để thu hút được hành khách sử dụng xe buýt, phải khắc phục ngay tồn tại, ưu tiên cải thiện điều kiện vận hành để xe buýt đi nhanh hơn, đúng giờ hơn. Cần có giải pháp nhanh chóng cải thiện hạ tầng của hệ thống xe buýt, trong đó đặc biệt cần tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt tại các tuyến đường có từ 4 làn xe/hướng, mặt cắt ngang từ trên 15m trở lên.
PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh: “Để phát huy tối đa hiệu quả của xe buýt, khả năng kết nối ngay trong mạng lưới tuyến và với các loại hình VTHKCC khác cũng cần được nâng cao. Phát triển các tuyến buýt trên nền tuyến BRT, đường sắt đô thị trong quy hoạch sẽ từng bước hình thành nhu cầu sử dụng VTHKCC của người dân”.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: “Sở GTVT đã xây dựng điểm trung chuyển xe buýt kết hợp nhà ga đường sắt đô thị tại Cầu Giấy. Đây sẽ là hình mẫu để rút kinh nghiệm, áp dụng cho các điểm trung chuyển đa phương thức khác trong hệ thống xe buýt Thủ đô”.
Mặt khác, việc xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho người đi bộ tiếp cận với các trạm, bến xe buýt cũng cần được quan tâm hơn nữa. Hiện nay rất nhiều vỉa hè trên địa bàn Thủ đô đang bị lấn chiếm, sử dụng với các mục đích khác khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, đi cùng xe máy, ô tô, rất mất an toàn giao thông.
Với đặc điểm giao thông đô thị Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ khiến xe buýt lớn không thể tiếp cận, các loại hình xe buýt cỡ vừa và nhỏ là lựa chọn phù hợp. Xe buýt cỡ nhỏ tăng khả năng tiếp cận các tuyến phố nhỏ, thuận tiện cho việc gom khách từ các tuyến nhánh, khu vực dân cư, văn phòng đến khu vui chơi giải trí, khu liên cơ quan.
Không chỉ tăng khả năng tiếp cận xe buýt cho người dân trong nội đô, xe buýt cỡ nhỏ còn giúp các tài xế vận hành dễ dàng và an toàn hơn trong điều kiện hạ tầng giao thông chật chội, hạn chế ùn tắc.
Ngoài ra, việc vận hành xe buýt cỡ vừa, cỡ nhỏ còn nhằm tránh lãng phí. Với các tuyến có lượng hành khách không quá cao, việc sử dụng xe buýt cỡ nhỏ là phù hợp, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư xe và xăng dầu.
Nâng cao chất lượng sử dụng
Với sự gia tăng nhu cầu đi lại của người dân đô thị, ngoài việc đáp ứng số lượng chuyến đi, cần nâng cao chất lượng phương tiện, đồng thời phải hạn chế ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng xe buýt “xanh” chạy bằng điện và khí nén CNG không những bảo vệ môi trường mà còn không có tiếng ồn động cơ, không khói, không mùi nhiên liệu và êm ái so với những xe thông thường.
Hà Nội hiện có 2.279 xe buýt, nhưng mới chỉ có 269 phương tiện sử dụng năng lượng sạch (điện và khí nén CNG); trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải EuroIV trở lên. Trong khí đó, “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của UBND TP Hà Nội” đặt mục tiêu tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 đạt khoảng 70 - 90% và đến năm 2035 đạt 100%.
TS Hà Thanh Tùng - Trường Đại học GTVT cho biết: “Để chuyển đổi sang xe buýt sử dụng năng lượng xanh, hạ tầng cung ứng nhiên liệu khí CNG/LNG cần bến bãi rộng, xa khu dân cư, có hành lang an toàn, có quy hoạch cụ thể về vị trí, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm, đường vào rộng phục vụ xe bồn, có phương án phòng, chống cháy nổ”.
Bên cạnh những yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ quan như chất lượng dịch vụ của xe buýt, điểm chờ cũng cần được khắc phục để thu hút người dân đến với xe buýt. Thạc sĩ Vũ Thị Hường - Trường Đại học GTVT cho rằng: “Cần nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống điểm dừng đỗ, nhà chờ để tạo sự thuận lợi, thoải mái cho người dân khi sử dụng xe buýt. Hệ thống nhà chờ xe buýt cần được đồng bộ, hiện đại".
Hiện nay, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm, ngoại thành là 1,1 điểm/km2. Vì vậy, tại khu vực ngoại thành, cần xem xét đầu tư bổ sung hệ thống nhà chờ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận của hành khách. Từ đó nâng tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt.
Bên cạnh đó, thái độ của nhân viên phục vụ cũng ảnh hưởng không nhở đến đánh giá của người dân đối với hình ảnh của xe buýt. Thái độ của lái xe, phụ xe niềm nở, chuyên nghiệp là cách để thu hút hành khách quay lại, tiếp tục sử dụng loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt trong những lần tiếp theo. Ngược lại, nếu thái độ nhân viên không tốt, người dân sẵn sàng đổi loại hình đi lại khác.
PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu kiến nghị: “Các DN nên xây dựng bộ quy chuẩn nghiệp vụ đối với lái xe và nhân viên bán vé, đưa thành nội dung đào tạo bắt buộc với tất cả lao động; đồng thời, duy trì đào tạo quy chuẩn nghiệp vụ hàng năm để nhắc nhở, bổ sung kiến thức mới cho người lao động".
Để thu hút người dân sử dụng xe buýt trong thời đại 4.0, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân.
TP Hà Nội đang triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức trên một số tuyến buýt. Thẻ vé xe buýt điện tử là một bước nhảy vọt trong việc cung cấp dịch vụ vận tải công cộng tiện ích, an toàn và hiệu quả hơn cho người dân, hành khách; tăng cường công tác quản lý doanh thu từ xe buýt.
Cùng với đó, cần nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ điều hành thông minh trên xe buýt với chức năng điều hành trực tuyến giữa lái xe và Trung tâm điều hành; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống thông tin hành khách, bản đồ xe buýt, phần mềm tìm buýt và phát triển hệ thống bảng điện tử tại các nhà chờ, điểm đầu cuối…
Ngọc Trang