Vỉa hè đường Nguyễn Trãi được lát đá tự nhiên khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Vũ Cúc
|
Thực tế, ở đô thị lớn, chẳng ai muốn việc đào đường, sửa vỉa hè cứ lặp đi lặp lại như trở thành điệp khúc, nhất là vào dịp cuối năm. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều dự án cải tạo, duy tu lòng đường, vỉa hè, hạ ngầm cáp viễn thông... phải tạm dừng lại dịp đầu năm. Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, tiến độ triển khai thi công hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông, điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020 rất chậm so với kế hoạch. Đến nay, các đơn vị mới hoàn thành hạ ngầm 140/255 tuyến phố (gồm 5 đợt thực hiện).
Để bảo đảm tiến độ thi công, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, giữa tháng 6 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội phát đi văn bản đề nghị các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ; kiểm tra, rà soát hoàn trả hè đường và bảo đảm vệ sinh môi trường trên các tuyến phố thi công hạ ngầm. Các DN khẩn trương hoàn thiện thiết kế, thỏa thuận dung lượng, hướng tuyến với Sở TT&TT, lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công gửi Sở GTVT thỏa thuận, cấp phép theo quy định. Chủ đầu tư phối hợp với các nhà thầu tăng cường kiểm tra hiện trường, bảo hành các vị trí hoàn trả hè đường bị lún sụt, thu dọn hết vật liệu thừa, phế thải xây dựng; hoàn thiện các hạng mục thi công bảo đảm an toàn giao thông, thu dọn vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị.
Nếu như những năm trước, vào dịp cuối năm, kịch bản đào đường, vỉa hè được khởi xướng, thì năm nay, ngay từ giữa năm, trên địa bàn có rất nhiều dự án cùng được triển khai để bảo đảm kịp tiến độ. Nhìn nhận rõ có thể dẫn đến tình trạng đường, vỉa hè mới hoàn thiện duy tu đã bị đào lên để thực hiện hạ ngầm, mới đây, UBND TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp đồng bộ trong thi công trên hè, đường phố. TP yêu cầu các DN, sở, ngành có liên quan phối cấp phép đào đường, vỉa hè không chồng lấn, tránh lãng phí, mất mỹ quan đô thị, khiến dư luận bức xúc.
Với công tác quản lý, vấn đề này cần được nhìn nhận ở góc độ ý thức về tầm quan trọng của việc chỉnh trang đô thị từ phía các cơ quan chức năng, không thể để mạnh ai lấy làm. Muốn hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, cần được thực hiện với kế hoạch bài bản bằng tầm nhìn chiến lược. Điều này sẽ mang lại lợi ích xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đặc biệt, tránh được sự lãng phí tiền của và thiếu bền vững.