Bị liệt vào dạng thông tin cướp-giết-hiếp, chả ai muốn xuất hiện trên truyền thông, nhưng nói thực người dân không thể không quan tâm vì nó liên quan trực tiếp với tính mạng của họ. Chúng ta, từ người đi xe đạp cho tới người có ô tô riêng, có ai dám phủ nhận chưa một lần đi xe ôm? Và ai dám khẳng định mình và người thân sẽ không bao giờ sử dụng dịch vụ đó nữa?
|
Thực nghiệm hiện trường cho thấy trước khi bị sát hại, anh S. có sử dụng điện thoại. (Ảnh: Thắng Nguyễn) |
Chiến công của các chiến sỹ công an bắt gọn hai tên giết người trong vài chục giờ đồng hồ rất đáng khen ngợi, nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta cần có những biện pháp để không xảy ra những vụ án man rợ như thế nữa.
Trong một bài viết trên mạng xã hội cách đây chừng hơn một năm, liên quan đến cướp xe ôm, tôi đã đề xuất nên chụp hình khách trước khi khởi hành nếu thấy bất an, nghi ngờ.
Bạn xe ôm grap vừa thiệt mạng cũng chụp ảnh nhưng nhẽ ra phải "chụp oang oang" để chúng biết đằng này bạn ấy lại "chụp thầm" rồi lặng lẽ gửi cho bạn với lời nhắn "có gì báo công an". Nhờ hình ảnh này mà CA dễ dàng phá án.
Nếu chúng biết bộ mặt của chúng đã được gửi đi, hoặc lưu trữ đâu đó, cam đoan không dám xuống tay tàn độc như thế.
Cứ nói thẳng: Trời tối, đường vắng, đoạn đó tôi không thạo, anh chị cho xin kiểu ảnh gửi về trung tâm. Kẻ nào chần chừ do dự gây khó dễ chứng tỏ đang giấu tâm địa đen tối. Thôi, nghỉ chạy tụi này cho an toàn!
Khách là người ngay thì chả sợ gì mà không cho bạn chụp, thậm chí còn thấy vững tâm hơn.
Đúng như bác xe ôm nào đó nhận xét, tai nạn thường xảy ra với những bạn ít kinh nghiệm hoặc vì mưu sinh mà tặc lưỡi liều mình.
Chỉ một số ít tụi sát nhân có bộ mặt ngây thơ còn nói chung bọn dặt dẹo, nghiện hút nhìn biết ngay.
Bọn lên cơn đói thuốc nhưng hết tiền thường manh động, dễ làm liều nhất. Khi không còn nơi nào để xin xỏ, lừa phỉnh, trộm cắp; không còn cái gì cầm cố…, thì con mồi đầu tiên chúng nhắm tới là cánh xe ôm.
Bọn này dễ nhận ra bởi khi đó chúng hấp tấp, vội vã; mắt lồi ra như mắt chuột kẹp, long lên sòng sọc; chúng cuống quýt như chó phải sấm. Ngoài môi thâm, má hóp, mắt lồi…, tụi này hay để móng tay thường dài và cáu bẩn.
Có nhiều tên đẹp trai, giả nai nhưng nhìn kỹ sẽ thấy mắt chúng liên láo đảo như rang lạc, ánh lên những tia dữ dằn, trải đời và bất cần...
Chở tụi này đi nếu tốt phước không bị sát hại như bạn xe ôm xấu số vừa rồi thì cũng bị quỵt tiền. Tránh xa!
Với xe ôm công nghệ thì khách đặt xe qua hệ thống thường an toàn hơn khách vẫy dọc đường. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan. Hy vọng với công nghệ hiện nay, hệ thống điều hành trung tâm sẽ phân biệt được cuộc gọi đặt xe từ sim rác và sim đã đăng ký chính chủ. Nếu sim đăng ký chính chủ thì yên tâm phần nào vì dữ liệu nhân thân hành khách đã được nhà mạng lưu trữ. Nếu cuộc gọi từ sim rác thì trung tâm cần thông báo để lái xe ôm cảnh giác. Nếu hệ thống bản đồ được cập nhật đầy đủ chính xác để trung tâm cảnh báo trước các đoạn đường vắng, có nguy cơ thì thật hữu ích biết bao!
Theo tôi hiểu, hiện nay với khách vẫy, lái xe thường không kết nối với trung tâm để “làm cả ăn tất”, không phải chia %. Cách làm chụp giật này không đàng hoàng và nguy hiểm vì trung tâm không kiểm soát được hành trình.
Cần có yêu cầu bắt buộc lái xe phải xác nhận hoàn thành dịch vụ về trung tâm. Nếu một hành trình nào có thời dài quá mức và đáng ngờ trung tâm sẽ gửi tin nhắn tự động tới chủ xe, nếu không phản hồi, tin nhắn đó sẽ chuyển tới người thân (số máy buộc phải đăng ký trước đó).
Trong cuộc chiến để dần loại bỏ sim rác hiện nay, thiết nghĩ các ngành chức năng cũng nên gây áp lực (đồng thời có chính sách khuyến khích) để một số dịch vụ (ví dụ như taxi công nghệ) từ chối hoặc hạn chế phục vụ các thuê bao sử dụng sim rác.
Ở một đất nước đường xá và phương tiện công cộng còn nhiều hạn chế như Việt Nam thì xe ôm công nghệ, một dịch vụ có thế mạnh, sẽ vẫn sống khỏe và còn tồn tại dài dài trong thị trường vận tải hành khách đơn lẻ trong tương lai. Không chỉ người Việt mà khách du lịch nước ngoài cũng dễ dàng tiếp cận dịch vụ này.
Chính vì thế cần đặc biệt lưu tâm tới các biện pháp an toàn. Khi đó cơ hội cho kẻ xấu sẽ giảm đi và người dân sẽ thấy dịch vụ xe ôm công nghệ an toàn, tiện lợi hơn.
Muộn còn hơn không! Phải có ngay những phương cách để chủ động ngăn chặn những vụ án như vừa rồi. Nghề nào cũng có rủi ro nhưng rủi ro mà để bị cướp đi sinh mạng là đau thương nhất! Trẻ thì chưa báo đáp ơn nghĩa sinh thành! Già thì bỏ lại vợ dại con thơ! Còn nỗi đau của người ở lại thì chẳng biết bao giờ mới nguôi ngoai!.