Tuyệt chiêu ‘trị’ thói quen chụp ảnh hiện trường tai nạn giao thông

 
Chia sẻ

Một cảnh sát Đức tìm ra giải pháp trị thói quen vô cảm thích chụp ảnh tự sướng tại hiện trường tai nạn giao thông và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng.

 

Cảnh sát dùng tuyệt chiêu ‘trị’ thói quen chụp ảnh hiện trường tai nạn giao thông - Nguồn BR24

 Mới đây, đoạn video ghi lại hình ảnh một cảnh sát giao thông dùng ‘biện pháp mạnh’ xử lý những lái xe ‘tò mò nhiều chuyện’ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng mạng xã hội tại Đức với hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ. 

Theo đó, khi đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Autobahn 6, thuộc tỉnh Bavaria, khiến 1 người đàn ông 47 tuổi thiệt mạng, sĩ quan cảnh sát Stefan Pfeiffer bắt gặp rất nhiều tài xế cố tình đi chậm, thậm chí dừng hẳn xe bên đường để chụp ảnh selfie hiện trường tai nạn. Tình trạng này khiến các phương tiện ùn ứ và lực lượng chức năng điều tiết giao thông hết sức vất vả.

Trong khi các đồng nghiệp tỏ ra bất lực, chỉ biết kêu gọi tài xế cố gắng di chuyển nhanh qua khu vực hiện trường thì Stefan tiến lại gần một chiếc xe tải dừng bên đường, yêu cầu tài xế xuống xe và đi theo ông: “Xuống đây nào. Tôi muốn cho anh xem thứ này. Anh muốn xem mặt người chết như thế nào lắm phải không. Vậy hãy đến gần nạn nhân đi tôi sẽ chụp giúp anh một kiểu ảnh”.

Vẻ bất ngờ lúng túng, sau đó là kinh hãi hiện rõ trên gương mặt tài xế. Trong khi người này ấp úng tìm cách giải thích, Stefan liền chất vấn, vậy tại sao anh dừng xe lại để chụp ảnh. Nếu anh muốn thì hãy đến và nói ‘xin chào’ với nạn nhân.

Sau khi khẳng định hành động chụp ảnh tự sướng tại hiện trường tai nạn là rất đáng xấu hổ, sĩ quan cảnh sát Đức phạt tài xế 128,5 Euro (tức hơn 3,3 triệu đồng).

Cũng bằng cách này, Stefan khiến một số tài xế tò mò, vô cảm khác bị một phen hoảng hồn bởi đề nghị có muốn chụp ảnh cùng thi thể nạn nhân.

Tuyet chieu ‘tri’ thoi quen chup anh hien truong tai nan giao thong  - Hinh anh 1
Biện pháp mạnh của cảnh sát Stefan khiến nhiều tài xế hoảng hồn

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình địa phương, Stefan cho biết: “Đối với chúng tôi, đó là trách nhiệm phải xử lý những người có hành vi như vậy. Nếu chỉ phạt 128,5 Euro và để cho họ đi, tôi tin chắc họ sẽ không rút ra được bài học gì. Tôi nghĩ họ phải ăn năn hối lỗi vì những gì mình đã làm và chúng tôi nhận thấy sự đối đầu trực tiếp này khiến nhiều người bị sốc. Họ nhận ra đây không phải là trò đùa mà là một thực tế cay đắng”.

Ngay sau khi đăng tải, đoạn video phóng sự của đài Bayerischer Rundfunk thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng tại Đức. Đa số đều ủng hộ hành động quyết liệt của cảnh sát Stefan Pfeiffer. 

Nhiều ý kiến cho rằng, sự hiếu kỳ của các tài xế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cứu hộ đồng thời là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, việc một số người chụp ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân đăng tải lên mạng xã hội còn thể hiện sự vô cảm và trở thành nỗi ám ảnh về đạo đức xã hội.

Anh Dominik Wilde, một người dân bày tỏ: “Chúng ta thường quen với việc kẹt xe bởi nhiều người cố đi chậm để theo dõi một sự cố trên cao tốc. Điều này còn rất phản cảm nếu ai đó chụp ảnh tự sướng tại hiện trường tai nạn”.

Mỗi ngày, trên cả nước có hàng chục vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. Và hình ảnh đám đông hiếu kỳ xúm quanh chụp ảnh trước mỗi vụ tai nạn trở nên quá quen thuộc.

Bức xúc khi từng chứng kiến một vụ tai nạn có nhiều người xung quanh thờ ơ,  thấy người bị nạn không cứu mà chỉ bàn tán và chụp ảnh rồi lảng đi, bạn Đỗ Tuấn, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Có thể không giúp gì được cho người bị nạn, nhưng ít ra đừng xúm lại quay phim chụp ảnh đưa lên Facebook câu like, vừa tàn nhẫn, vừa phản cảm vô cùng".

Để có thể giảm thiểu được những thiệt hại về người sau những vụ tai nạn giao thông thì sự giúp đỡ các nạn nhân của những người xung quanh có vai trò hết sức quan trọng. Mỗi người tham gia giao thông hãy đặt mình vào vị trí người bị nạn để có những ứng xử phù hợp. Đừng vì sự vị kỷ cá nhân mà tiếp tục để sự vô cảm lan dần trong xã hội văn minh. 

VOV Giao thông

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h