Vụ xe khách đâm đoàn người đưa tang ở Vĩnh Phúc: Trách nhiệm thuộc về ai?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tài xế điều khiển chiếc xe khách gây tai nạn kinh hoàng đã bị khởi tố và sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng trong thời gian tới. Nhưng câu chuyện về trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ tai nạn này không chỉ dừng lại ở đây.

Vu xe khach dam doan nguoi dua tang o Vinh Phuc: Trach nhiem thuoc ve ai? - Hinh anh 1
Chiếc xe khách gây tai nạn đã chạy sai lộ trình được cấp phép

Hình phạt nặng đang chờ

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã lập tức vào cuộc điều tra. Tài xế Phan Thanh Phú (SN 1976, trú tại thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) - người trực tiếp điều khiển chiếc ô tô khách mang BKS: 27B-003.43 gây tai nạn đã được đưa đi kiểm tra nồng độ cồn và test ma túy để phục vụ công tác điều tra.

Kết quả không phát hiện chất ma túy, chất gây nghiện, nồng độ cồn trong máu và nước tiểu của tài xế này. Cơ quan công an xác định, nguyên nhân gây tai nạn là do thời tiết sương mù, tầm nhìn bị hạn chế và tài xế xe khách thiếu quan sát. Trước hậu quả vô cùng nghiêm trọng đã gây ra, tài xế Phan Thanh Phú bị khởi tố bị can và bắt tạm giam về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điểm a, Khoản 3,  Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm chết 3 người trở lên bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Đây cũng là mức án mà tài xế Phan Thanh Phú sẽ phải đối mặt.

“Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của đối tượng Phú là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Do đó hình phạt cho hành vi này là rất nghiêm khắc” – Luật sư Bùi Đình Ứng nói.

Cũng theo Luật sư Ứng, ngoài việc chịu khung hình phạt theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tài xế Phan Thanh Phú còn có nguy cơ không được giảm nhẹ hình phạt vì đã từng có tiền án trước đó. "Tài xế này từng có tiền án về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" dù được xóa án tích. Trong trường hợp bị đưa ra xét xử vì gây ra vụ tai nạn lần này, tài xế này cũng sẽ bị coi là nhân thân xấu, không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt” – Luật sư Bùi Đình Ứng phân tích.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nhận định, trong vụ tai nạn vừa xảy ra ở Vĩnh Phúc và cả những vụ tai nạn ô tô đâm liên hoàn gần đây, tài xế điều khiển xe khách đương nhiên là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Tuy nhiên, xét rộng hơn, trách nhiệm còn thuộc về nhiều bên liên quan khác, trong đó không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan chức năng và DN chủ sở hữu chiếc xe khách gây tai nạn.

“Việc DN để tài xế xuất bến không đúng giờ, trong trường hợp biết mà không có biện pháp ngăn chặn thì rất nghiêm trọng. Còn việc chiếc xe chạy sai lộ trình, trách nhiệm đương nhiên phải là cơ quan chức năng. Tại sao không phát hiện và xử lý trước khi sự việc đáng tiếc này xảy ra” – ông Thanh phân tích.

Bên cạnh đó, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, qua vụ tai nạn đáng tiếc trên còn chỉ ra nhiều vấn đề trong cách tổ chức giao thông và thói quen tham gia giao thông của người dân. Bởi, nơi xảy ra vụ tai nạn lâu nay vẫn được người dân địa phương coi là “ngã tư tử thần”. Đó là điểm giao cắt giữa nhiều tuyến đường, nơi đã xảy ra nhiều vụ TNGT trước kia nhưng không hề có hệ thống đèn giao thông.

“Cũng cần phải thấy rằng, việc đoàn đưa tang băng qua ngã tư vào lúc 5 giờ sáng trong điều kiện sương mù, tầm nhìn bị hạn chế cũng là một nguy cơ lớn gây TNGT. Tài xế xe khách một phần vì thiếu quan sát nhưng với tình huống và bối cảnh thời tiết lúc đó cũng không dễ để xử lý kịp” – ông Thanh nhận định.

Giải pháp lâu dài hạn chế những tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng là bên cạnh việc đầu tư kinh phí khắc phục các điểm đen, bất cập của hạ tầng giao thông thì cần có giải pháp tổng thể đối với đội ngũ lái xe, với những người tham gia thông. Chúng ta quyết tâm nhưng chưa làm đến nơi đến chốn, đó là vấn đề quản lý con người, đặc biệt là đối với người điều khiển giao thông. Đối với người lái xe thì không chỉ có chế tài xử phạt là đủ, mà cần có phương thức thay đổi, bổ sung trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe, đồng thời quy trách nhiệm để các DN giáo dục lái xe một cách thường xuyên.

Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khương Kim Tạo

Nếu như vụ tai nạn ở Hải Dương thì bên cạnh những bất cập về hạ tầng như tổ chức giao thông, lối lên xuống chưa hợp lý trên Quốc lộ 5, thì vụ tai nạn ở Vĩnh Phúc cũng có điểm chung là lỗi chủ yếu do lái xe. Bên cạnh đó, với những đoàn người tập trung đông người trên đường giao thông như đám ma, đám cưới, thì những người tổ chức sự kiện cần hết sức cẩn trọng, chủ động có biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho chính những người tham gia. Đây là những quy định đã được luật quy định nhưng thực tế lại bị bỏ qua.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức

Quý Nguyễn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan