|
Mô hình xe đạp công cộng tại TP Hồ Chí Minh đang hút khách. |
Nhất cử lưỡng tiện
Chiều một ngày cuối tuần tháng 3/2022, anh Trần Mạnh Tuấn (SN 1987, trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) diện sẵn “nguyên cây” thể thao, hào hứng dắt chiếc xe đạp thể thao màu xanh mới cứng xuống sảnh chung chư để chuẩn bị cho buổi “tập huấn” tham gia giao thông bằng xe đạp đầu tiên.
Là một nhân viên văn phòng với mức lương được xếp vào diện tạm ổn, anh Tuấn cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác vừa trải qua một thời gian khủng hoảng tài chính nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Nhiều đợt dịch bệnh bùng nổ, TP thực hiện giãn cách xã hội, công ty cho nhân viên làm việc online ở nhà và nhận 70% lương khiến thu nhập của gia đình anh Tuấn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Dịch bệnh vừa tạm lắng xuống thì giá xăng dầu lên cao vút, mỗi lần đổ xăng đi làm xót hết cả ruột” – anh Tuấn nói. Vừa qua, chung cư anh Tuấn ở có nhiều người mua xe đạp để đi tập thể dục, đi làm. Thấy vậy, anh Tuấn cũng quyết định “tậu” cho mình một chiếc. “Tôi mới mua chiếc xe này với giá hơn 3 triệu đồng tại một cửa hàng bán xe đạp ở quận Cầu Giấy. Hôm nay mang ra đi thử vài vòng, vừa để tập thể dục, vừa để xem dùng xe đạp đi làm có thuận tiện không. Nếu mọi việc ổn, tôi sẽ dùng xe đạp đi làm. Vừa tiết kiệm tiền xăng, vừa giúp rèn luyện sức khỏe, nhất cử lưỡng tiện” – anh Tuấn hào hứng.
Trên thực tế, trào lưu sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển đang ngày một thịnh hành ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn. Tại TP Hồ Chí Minh, dịch vụ cho thuê xe đạp đang “lên ngôi” khi nhu cầu sử dụng xe đạp của người dân nơi đây ngày một lớn. Đặc biệt, mô hình xe đạp công cộng được UBND TP Hồ Chí Minh triền khai từ hơn nửa năm qua đã và đang được người dân đón nhận.
Được biết, mô hình xe đạp công cộng giá rẻ được thí điểm tại 43 điểm với 388 chiếc xe trên địa bàn quận 1 từ ngày 16/12/2021. Đến nay, sau thời gian ngắn thí điểm, có hơn 110.000 khách hàng tại TP Hồ Chí Minh đăng ký sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng với hơn 730.000km đã đi. Lúc đầu khai trương người dân thường thuê xe đạp để dạo phố, ngắm cảnh nhưng gần đây, lượng người thuê xe đạp đi làm cũng khá nhiều vì phù hợp với các tuyến đường trung tâm cần di chuyển.
Còn tại Hà Nội, ông Đỗ Bá Dân - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư) cho biết, theo chủ trương đã được UBND TP Hà Nội và Sở GTVT chấp thuận, đề án “Xe đạp đô thị” tại Hà Nội sẽ triển khai theo hai giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn đầu trong năm 2022 - 2023 triển khai ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa và Thanh Xuân với 85 điểm trạm và 1.000 xe (trong đó có 500 xe đạp thường và 500 xe đạp điện). Quy mô giai đoạn 2 (từ năm 2023) tùy điều kiện thực tế để có các điểm kết nối thuận tiện và mở rộng ra 3.000 xe.
Theo ông Đỗ Bá Dân, chi phí đầu tư ban đầu cho giai đoạn 1 khoảng gần 30 tỷ đồng. Các trạm, bãi đỗ xe sẽ được bố trí gần các khu vực đông người như: Bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, chung cư để thuận tiện và thu hút người dân.
|
Sử dụng xe đạp để tập thể dục và dạo phố là thói quen có từ lâu của người dân Thủ đô. |
Cần chiến lược dài hơi
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận định, xu hướng người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông mang nhiều yếu tố tích cực. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là sự thân thiện với môi trường.
“Chất thải từ các phương tiện giao thông đã và đang là tác nhân lớn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội và nhiều đô thị lớn. Nếu có thể thay các phương tiện giao thông cá nhân hiện nay bằng xe đạp thì sẽ là giải pháp rất thân thiện với môi trường” – ông Bùi Danh Liên cho biết.
Cùng chung nhận định trên, nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình xe đạp công cộng nếu được phát triển sẽ rất ưu việt, nhất là sự thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng xe đạp hiện nay mới chỉ dừng lại ở nhu cầu giải trí cá nhân, phục vụ chủ yếu cho bộ phận khách du lịch và giới trẻ. Để xe đạp thật sự là phương tiện công cộng hữu ích cần một chiến lược dài hơi và tỉ mỉ.
TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cho rằng, dù xe đạp là phương tiện thân thiện với môi trường nhưng để đưa xe đạp từ phương tiện mang tính giải trí cá nhân (phục vụ chính cho khách du lịch, giới trẻ đi dạo phố - PV) thành phương tiện công cộng thật sự là cả một chặng đường dài. Bởi, xét cho cùng, xe đạp vẫn thua thiệt hơn các phương tiện khác như xe máy, ô tô rất nhiều mặt.
“Xe đạp chỉ phù hợp với quãng đường cự ly ngắn, khoảng 5km đổ lại và thua kém về tốc độ, tính tiện ích so với xe máy, ô tô. Do đó, xe đạp công cộng sẽ vấp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các phương tiện giao thông khác” – TS Nguyễn Xuân Thủy cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, với đặc tính riêng của mình, xe đạp sẽ hiệu quả nếu được kết nối với các phương tiện công cộng khác. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện được hạ tầng giao thông công cộng mang tính kết nối cao. Đây là điều giao thông ở Hà Nội và nhiều TP lớn trên cả nước chưa có được. Do đó, muốn phát triển xe đạp công cộng, cơ quan quản lý Nhà nước phải khảo sát kỹ nhu cầu đến đâu, quy mô tối thiểu có hiệu quả thì mới thu hút được nhà đầu tư tư nhân.
“Xe đạp công cộng là một giải pháp trong tổng thể các giải pháp về phát triển giao thông bền vững ở các đô thị và là xu hướng tất yếu. Để giải quyết vấn đề hạ tầng để lôi kéo người dân đi xe đạp, đặc biệt là sử dụng xe đạp công cộng, TP Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong vấn đề về phát triển giao thông đô thị bền vững; có nghiên cứu, đánh giá toàn diện về nhu cầu sử dụng xe đạp theo vị trí, không gian và thời gian, cho các nhóm đối tượng”.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức, trường Đại học Việt Đức - ông Vũ Anh Tuấn.
|