Xe buýt hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
|
Cạnh tranh khốc liệt
Sau nhiều thập kỷ bồi đắp, Hà Nội đã có một mạng lưới xe buýt vững mạnh, hiệu quả, chất lượng phục vụ Nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô. Hiện, Hà Nội có 100 tuyến xe buýt được trợ giá từ ngân sách TP, cùng với đó là nhiều ưu tiên về hạ tầng giao thông. Đó chính là lợi thế rất lớn, giúp cho xe buýt có giá vé rẻ, thuận tiện sử dụng, nhằm thu hút người dân, hành khách. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, những lợi thế đó dần dần bị nhiều loại hình vận tải khác “hóa giải”.
Thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan phân tích, hiện nay, giá cước xe ôm hoặc taxi công nghệ rất rẻ, lại di chuyển nhanh hơn. Với một cung đường mà xe buýt đi mất hàng giờ đồng hồ thì xe ôm, taxi công nghệ chỉ đi mất khoảng nửa giờ, mà giá cước không nhỉnh hơn bao nhiêu. “Thời đại công nghệ thông tin phát triển cũng mang đến nhiều loại hình mới như đi chung xe, đặt xe, gọi xe quá dễ dàng, phục vụ tận nơi mà giá cước chỉ nhỉnh hơn xe buýt một chút. Điều này khiến nhiều người dân chuyển hẳn sang sử dụng Grabbike, Grabcar thay vì xe buýt” - ông Đỗ Cao Phan nhận định.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thủy cũng chia sẻ, hiện nay, xe ôm, taxi công nghệ đang là những đối thủ cạnh tranh thực sự đáng gờm đối với xe buýt. Do đặc thù phải ra vào hệ thống điểm dừng chờ đón trả khách, nhiều thời điểm hành khách đông, chật chội, phương tiện lại to lớn nên xe buýt di chuyển chậm hơn hẳn các loại hình nêu trên. Lợi thế lớn nhất của xe buýt là giá vé thì đến nay đã không còn chênh lệch quá lớn so với xe ôm, taxi công nghệ, đặc biệt với các cung đường ngắn. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng vận chuyển của xe buýt liên tục trồi sụt trong thời gian qua.
Một vấn đề khác cũng đang gây khó khăn, tác động tiêu cực đến thị phần của xe buýt, đó là vấn nạn xe khách “trá hình”. Hiện, Hà Nội có hàng chục tuyến buýt đi - đến các bến xe khách, đóng góp một lượng không nhỏ hành khách vào sản lượng chung của toàn hệ thống. Nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, các văn phòng xe khách “trá hình” mọc lên khắp nơi, nhất là trong 12 quận trung tâm. Xe Limousine, VIP… tung hoành ngang dọc khắp hang cùng ngõ hẻm, khiến lượng khách tại các bến xe sụt giảm mạnh từ 30 - 50%. Điều đó đồng nghĩa với việc hành khách sử dụng xe buýt đi - đến các bến xe sụt giảm đến mức đáng lo ngại.
Nỗ lực vượt khó
Trong bối cảnh khó khăn ngày càng nhiều, càng phức tạp như hiện nay, muốn duy trì vai trò, vị thế, và phát triển hơn nữa, xe buýt Hà Nội cần những biện pháp mạnh mẽ để biến nội lực thành thế mạnh trong cạnh tranh.
Ông Đỗ Cao Phan cho rằng, phần lớn các tuyến xe buýt tại Hà Nội hiện được ưu tiên về trợ giá, lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện, không bị hạn chế khu vực hoạt động... Bản thân các DN cũng luôn cố gắng nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ, đưa thêm các tiện ích gia tăng lên xe buýt. Và quan trọng nhất là Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội luôn xác định việc tăng cường, phát triển mạng lưới xe buýt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân. Từ đó, các cấp chính quyền TP đã đưa ra những định hướng rõ ràng, hiệu quả đối với vận tải công cộng nói chung và xe buýt nói riêng. “Đó chính là những ưu thế vượt trội của xe buýt so với nhiều loại hình vận tải hành khách khác. Các DN xe buýt cần vận dụng thật tốt để tăng cường sức cạnh tranh” – ông Đỗ Cao Phan chia sẻ.
Trong khoảng 20 năm qua, cùng với sự phát triển chung của hạ tầng giao thông, nền tảng hạ tầng của xe buýt cũng đã được dần được định hình. Hiện toàn TP có trên 3.600 điểm dừng, nhà chờ xe buýt, bao gồm cả điểm đầu cuối, trung chuyển, khoảng 50% trong số đó nằm ở 12 quận trung tâm. Có thể nói số lượng điểm dừng chờ đã tương đối đáp ứng yêu cầu vận hành của cả mạng lưới, và cũng đang được UBND TP lên kế hoạch tăng cường chất lượng, tiện ích.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự hỗ trợ mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, ngân sách của TP là nguồn lực quan trọng nhất đối với xe buýt Hà Nội. Bên cạnh đó, các DN vận tải khai thác xe buýt cần tự mình không ngừng nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ để người dân hài lòng khi sử dụng. Đặc biệt, xe buýt không thể tụt hậu trong thời đại công nghệ thông tin cực kỳ phát triển hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành, vận hành xe buýt cần được thực hiện toàn diện, nhanh chóng, để mang đến sự tiện lợi tối đa cho hành khách.