Xe cá nhân lấn làn BRT: Thói quen nhỏ kéo lùi mục tiêu lớn

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong nỗ lực cải thiện ùn tắc giao thông (UTGT) Thủ đô, xe buýt BRT nằm trong loại hình vận tải công cộng (VTCC) được coi là giải pháp hiện đại, văn minh để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân. Tuy nhiên, thói quen xấu khi tham gia giao thông của không ít người vô tình khiến hiệu quả của BRT nói riêng và VTCC nói chung đang bị hạn chế.

Cố tình vi phạm

Theo thống kê sản lượng xe buýt BRT giai đoạn từ năm 2017 – 2019, tổng số hành khách đạt khoảng 5 triệu hành khách/năm. Ở giai đoạn này, sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng 1 tuyến nói riêng của tuyến BRT đứng đầu trong toàn mạng lưới VTCC, bình quân 22.542 hành khách/năm. Hành khách chuyển sang sử dụng vé tháng để đi lại trên tuyến BRT tăng, vé lượt liên tục giảm; số lượng hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng 1 tuyến trên xe buýt BRT bình quân 2.200 người/tháng.

Doanh thu bình quân của tuyến buýt BRT cũng cao gấp gần 3 lần doanh thu trung bình của toàn mạng, tỷ lệ trợ giá/chi phí trung bình các năm đạt 31,8%, thấp hơn 1,83 lần so với tỷ lệ chung. Dù từ năm 2020, sản lượng tuyến cũng như các tuyến buýt khác trong toàn mạng, sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên lượng hành khách trên tuyến cũng đang dần ổn định trở lại.

Đáng chú ý, nhóm đối tượng sử dụng tuyến buýt BRT 01 cao nhất là cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên văn phòng. Nếu chạy ổn định trên làn đường riêng, xe buýt BRT đạt tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/giờ, nhanh hơn xe buýt thường khoảng 30%; thời gian chạy xe trung bình giảm gần 20%, tiết kiệm hàng nghìn giờ làm việc tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp (DN).

Tuy vậy, để tuyến BRT có được điều kiện hoạt động tối đa lại là vấn đề nan giải. Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra những quy định, biện pháp xử phạt nóng, phạt nguội, nhưng tình trạng xe máy, xe ô tô vô tư lấn làn xe buýt nhanh (kể cả ngoài giờ cao điểm) vẫn diễn ra.

Xe ca nhan lan lan BRT:  Thoi quen nho keo lui muc tieu lon - Hinh anh 1
 Phần đường thông thoáng nhưng nhiều phương tiện vẫn cố tình lấn làn BRT.

Trên tuyến đường có làn dành cho xe BRT, các đội CSGT số 3, số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng xử lý nhiều chủ phương tiện vi phạm. Song song với đó, nhiều camera ghi lại vi phạm  được lắp đặt nhằm tăng cường phạt, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, nhưng không ít người còn tâm lý “lách” luật, chỉ tuân thủ khi thấy lực lượng chức năng. Chưa kể, ở không ít diễn đàn mạng xã hội, nhiều người còn liệt kê cả các điểm có camera phạt nguội để né tránh, thay vì chủ động chấp hành.

Quan hệ tương hỗ

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, nếu vấn đề chỉ nằm ở việc xử lý, phạt hành chính thì với sự quyết liệt của lực lượng chức năng, tình trạng phương tiện cá nhân lấn vào làn BRT đã sớm được giải quyết. Nhưng nhìn vào thực tế, người dân vẫn vi phạm ngay cả khi điều kiện giao thông ổn định, cho thấy đó là do thói quen, ý thức tuân thủ của người tham gia giao thông chưa tốt, chưa chủ động nhường đường cho phương tiện VTCC vốn đang phục vụ cho nhiều người lưu thông hơn.

Mặt khác, còn có nhiều ý kiến cho rằng xe buýt BRT không đạt được hiệu quả, nhưng lại có hẳn một làn đường riêng là “đặt quyền” quá lớn, dẫn đến tâm lý kỳ thị với loại hình này. “Có một số ý kiến cho rằng phải nâng cấp VTCC mới giảm phương tiện cá nhân, nhưng qua nghiên cứu thì hai điều này phải có tác động tương hỗ. Nếu không giảm được phương tiện giao thông cá nhân thì phương tiện VTCC không phát triển được” - chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng nhận định.

Vì vậy, các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức được việc lựa chọn phương tiện công cộng thay vì xe cá nhân chính là đang góp phần cho mục tiêu lớn của TP.

Xe ca nhan lan lan BRT:  Thoi quen nho keo lui muc tieu lon - Hinh anh 2
 Giảm phương tiện cá nhân là mục tiêu lớn nhằm hạn chế UTGT.

Chia sẻ về các giải pháp giảm UTGT, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai bằng rất nhiều giải pháp, trong đó có đóng góp rất lớn của các loại hình VTCC. Tuy nhiên do UTGT dẫn đến thời gian tham gia giao thông của các phương tiện VTCC không đảm bảo thời gian quy định. Nên người dân vẫn lựa chọn phương tiện cá nhân nhiều, khiến xe buýt chưa phát huy được tối đa hiệu quả.

“Phát triển VTCC đi liền với giảm phương tiện cá nhân, khi tốc độ, sản lượng hành khách của xe buýt lớn lên, UTGT sẽ được hạn chế. Ở chiều ngược lại, giảm phương tiện đồng nghĩa với lượng khách cho VTCC cao hơn” - ông Vũ Văn Viện cho biết.

Hà Nội đang từng bước triển khai 6 nhóm giải pháp nhằm giảm UTGT, và trong khi chưa có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, TP đã triển khai nhiều biện pháp tổ chức giao thông hợp lý, quy định về tuyến đường, phân loại các loại phương tiện hoạt động, giảm bớt số phương tiện giao thông cùng lúc.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến BRT cùng với 8 tuyến đường sắt đô thị, tạo nên bộ khung VTCC khối lượng lớn - xương sống cho toàn mạng lưới VTCC. Kỳ vọng, trong tương lai, bức trang giao thông của Thủ đô sẽ sớm được cải thiện.

“Tại nhữngTP lớn trên thế giới, các loại hình VTCC được dành rất nhiều làn đường, tạo điều kiện di chuyển thông thoáng, đóng góp rất lớn trong giảm thời lượng di chuyển của người dân, từ đóp, nâng cao năng lực làm việc, sản xuất. Phát triển VTCC cũng đồng thời là biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại” - chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình

Tin liên quan