Xe lửa nên tránh giờ cao điểm

 
Chia sẻ

Đôi khi xe lửa cũng vô tình trở thành tác nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM, đặc biệt trong giờ cao điểm khi các phương tiện đường bộ phải dừng chờ để ưu tiên xe lửa chạy qua.

Ngán ngẩm cao điểm

 Số liệu thống kê từ ngành chức năng, trên địa bàn thành phố hiện có tổng cộng 24 đường ngang xe lửa; trong đó 20 đường ngang có nhân viên trực gác, 4 đường ngang tổ chức phòng vệ theo hình thức cảnh báo tự động hoặc cần chắn tự động. Hiện không còn đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại xung quanh hệ thống đường sắt, chính xác hơn là liên quan đến an toàn chạy tàu và an toàn cho các khu dân cư nơi đường sắt chạy ngang qua. Một hình ảnh quen thuộc, dễ thấy tại các đường ngang xe lửa ở nhiều thời điểm trong ngày, đó là việc xe cộ đang lưu thông trên đường phải dừng lại để nhường quyền ưu tiên cho xe lửa chạy qua. Các thời điểm khác trong ngày thì có thể không xảy ra ùn ứ giao thông, nhưng vào giờ cao điểm sáng và chiều thì nguy cơ đó rất cao sau khi xe lửa đi qua. Đây có lẽ là bất tiện lớn nhất khi xe lửa chạy xuyên nội thành.

Xe lua nen tranh gio cao diem - Hinh anh 1
Chắn đường để tàu hỏa qua đường Nguyễn Văn Trỗi, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng người dân thường xuyên đổ rác thải, xà bần bừa bãi dọc theo hành lang an toàn giao thông đường sắt. Việc đổ rác bừa bãi như vậy vừa mất an toàn chạy tàu vừa gây ô nhiễm môi trường. Tương tự là tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để làm nơi buôn bán kinh doanh và như “quy luật” bất thành văn, đoạn đường sắt nào có lấn chiếm buôn bán tự phát sẽ kéo theo ở đó xảy ra xô bồ, mất trật tự an toàn chạy tàu.

Cũng có khi vấn đề tồn tại xảy ra do chính bản thân hệ thống tổ chức vận hành của ngành đường sắt. Tình trạng phóng uế “vô tư” từ trên xe lửa thẳng xuống đường ray là một ví dụ. Tệ trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, mặc dù hậu quả của việc phóng uế ấy lắm khi rất nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường sống, có nguy cơ phát tán lây lan dịch bệnh giữa các vùng, miền.

Cần sự điều chỉnh

Trên thực tế, việc đảm bảo trật tự an toàn hành lang đường sắt trên địa bàn thành phố đòi hỏi sự chung tay chung sức của nhiều đầu mối, đặc biệt là phía quản lý đường sắt và chính quyền địa phương nơi tuyến đường sắt đi qua.

Trong cách nhìn này, phần việc của mỗi bên liên quan sẽ được xác định rõ ràng. Đường sắt Việt Nam sẽ đảm trách những việc như đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống gác chắn tại các vị trí đường ngang trên địa bàn, mở rộng đường ngang đảm bảo đồng bộ bề rộng đường bộ hai bên, xây dựng hệ thống hàng rào bê tông cốt thép, có phương án đầu tư thiết bị vệ sinh tự hoại trên các đoàn tàu…

Phần việc của Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn là nhanh chóng tiến hành công tác dọn dẹp vệ sinh bên trong hành lang an toàn đường sắt, khắc phục các đoạn hàng rào bị hư hỏng, thường xuyên duy tu sửa chữa hệ thống đường sắt, đảm bảo trật tự an toàn chạy tàu trên toàn địa bàn.

Đặc biệt, có lẽ đã đến lúc ngành đường sắt cần bàn bạc với các phía liên quan để xây dựng lại thời biểu chạy tàu, chí ít sao cho tàu đến hoặc đi từ Ga Sài Gòn phải tránh được giờ cao điểm sáng và chiều, qua đó góp phần giảm thiểu nguy cơ xe lửa trở thành tác nhân gây ra ùn tắc giao thông.

Trong khi đó, chính quyền các địa phương có đường sắt Bắc - Nam chạy qua gồm các quận: 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức chịu trách nhiệm bổ sung lắp đặt hệ thống cọc tiêu, biển báo tại vị trí giao nhau giữa đường bộ và đường sắt trên các tuyến đường bộ do quận quản lý. Chính quyền địa phương cũng là đầu mối làm công tác vận động, tuyên truyền người dân sống trong khu vực không đổ rác bừa bãi, lấn chiếm hành lang an toàn để buôn bán, không để tồn tại những vị trí thắt cổ chai tại điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt…

Sở Giao thông Vận tải TPHCM kiến nghị ngành đường sắt:

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc, hạ tầng kỹ thuật tại các đường ngang để điều chỉnh hoặc bổ sung cho phù hợp theo quy định và phù hợp với thực tế trong phạm vi ngành đường sắt quản lý.

- Tăng cường công tác dọn dẹp vệ sinh bên trong hành lang an toàn đường sắt.

- Khắc phục các vị trí hàng rào hư hỏng, thực hiện thường xuyên công tác duy tu, sửa chữa hệ thống đường sắt, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn thành phố.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống cảnh báo tự động để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả 24/24 giờ đối với các đường ngang có cần chắn tự động.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Tin liên quan