|
Hiện trường vụ xe tải bị lật đè trên QL5, khiến 5 người thiệt mạng |
Khoảng 6h5 phút ngày 23/7, xe tải 29H-150.97 đâm, lật đè vào nhóm người đang chờ sang đường trên QL5 đoạn qua xã Cộng Hòa huyện Kim Thành, Hải Dương làm 5 người chết và 2 người bị thương.
Bước đầu công an xác định tài xế xe tải gây tai nạn là Hà Văn Hoàng (sinh năm 1993, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa). Qua kiểm tra nhanh, tài xế âm tính với ma túy, không có nồng độ cồn trong khí thở. Bước đầu tài xế khai nhận, sau khi đánh lái chuyển hướng, chiếc xe bị mất kiểm soát tốc độ, dù đã cố gắng đạp phanh nhưng vẫn “không ăn”.
Liên quan đến phương tiện, Cục Đăng kiểm VN cho biết, xe tải biển số đăng ký 29H-150.97 sản xuất năm 2016 tại Việt Nam, được kiểm định lần gần nhất ngày 15/10/2018 tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89-02S tỉnh Hưng Yên, có hạn kiểm định đến hết ngày 14/10/2019. Như vậy, tại thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe được kiểm định hơn 8 tháng và giấy chứng nhận đăng kiểm của xe gây tai nạn đang còn hiệu lực.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong một số vụ TNGT nghiêm trọng, tài xế ban đầu khai báo với cơ quan chức năng rằng do xe "mất lái", "mất phanh". Tuy nhiên, các cơ quan chức năng căn cứ kết quả giám định phương tiện gây tai nạn để có kết luận về tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện, cũng như xác định trách nhiệm cụ thể.
Đề cập vấn đề trách nhiệm trong quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật của xe ô tô đã được cấp chứng nhận đăng kiểm và chưa đến hạn đăng kiểm định kỳ, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, giấy chứng nhận đăng kiểm có giá trị công nhận tình trạng kỹ thuật của phương tiện tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Còn trong thời gian giữa hai kỳ đăng kiểm, chủ xe, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm duy trì chất lượng phương tiện thông qua việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện.
Cụ thể, Điều 10 Thông tư 53/2014 của Bộ GTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe có trách nhiệm: kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên trước và sau một chuyến đi hoặc sau mỗi ngày hoạt động để nắm chắc tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới. Kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định.
Một trong nội dung bảo dưỡng thường xuyên gồm: sau khi khởi động động cơ nghe để biết sự làm việc bình thường của động cơ và hệ thống liên quan; kiểm tra sự làm việc và giá trị chỉ báo của đồng hồ, đèn báo trên bảng điều khiển; kiểm tra sự làm việc của phanh chính và phanh đỗ; kiểm tra tình trạng và sự làm việc của đèn chiếu sáng phía trước, các đèn tín hiệu, đèn phanh, gạt nước, phun nước rửa kính; quan sát gầm xe để phát hiện sự rò rỉ của chất lỏng, khí nén; theo dõi và chấp hành việc bảo dưỡng phương tiện theo chu kỳ bảo dưỡng nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Trong đó, chu kỳ bảo dưỡng định kỳ đối với ô tô tải, ô tô tải chuyên dùng; rơmoóc, sơmi rơmoóc các loại; ô tô chuyên dùng là 4.000 - 8.000km/lần hoặc 3-6 tháng/lần, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Hiện trường vụ xe tải bị lật đè trên QL5, khiến 5 người thiệt mạng
Hiện trường vụ xe tải bị lật đè trên QL5, khiến 5 người thiệt mạng