Xử phạt vi phạm giao thông: Tăng tiền phạt là cần thiết nhưng chưa đủ

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Việc tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông được coi là cần thiết để nâng cao tính răn đe và kiềm tỏa các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào chế tài sẽ là không đủ để kiểm soát cũng như đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Vi phạm giao thông sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng
Bộ GTVT cho biết đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ và đường sắt; hàng không dân dụng. Trong đó, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất là Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo Bộ GTVT, hiện nay, một số nhóm hành vi vi phạm trong Nghị định 100 đã được nâng mức xử phạt tiền lên mức tối đa là 40 triệu đồng. Đơn cử như nhóm hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở) có mức xử phạt từ 35 - 40 triệu đồng.
Nhóm hành vi vi phạm sử dụng ma túy điều khiển xe ô tô mức xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có thể phát sinh những hành vi phức tạp, nguy hiểm, có nguy cơ cao gây mất ATGT như vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy điều khiển phương tiện... Đây là những hành vi cần tiếp tục phải tăng mức xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ GTVT cũng cho biết, việc tăng mức xử phạt tiền tối đa còn để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019, trong đó đã điều chỉnh gần 300 hành vi, nhóm hành vi, trong đó có 69 hành vi, nhóm hành vi tăng cao mức xử phạt. Một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ có tính chất phức tạp, mức phạt cao vượt quá thẩm quyền xử phạt của Trưởng Phòng CSGT cấp tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chánh thanh tra sở dẫn đến tình trạng phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền (Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Cục trưởng Cục CSGT) để ra quyết định xử phạt.
Chính bởi vậy, Bộ GTVT khẳng định, việc tăng mức xử phạt tiền tối đa để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ là rất cần thiết. Những vấn đề trên sẽ được giải quyết khi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Với văn bản luật này, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân từ năm 2022 sẽ tăng mạnh.
Cụ thể, tại khoản 10 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012) quy định phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa... Như vậy, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân sẽ là 75 triệu đồng (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân là 40 triệu đồng).
Chế tài mạnh không phải là tất cả
 Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông cho rằng, chế tài xử phạt nghiêm khắc rất cần thiết, nhưng không thể xem đây là thanh “thượng phương bảo kiếm” để lập lại trật tự trong lĩnh vực giao thông. Trên thực tế, khi nói về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông hay bất cứ lĩnh vực nào khác, điều đầu tiên người thường hay nhắc đến đầu tiên là mức xử phạt bao nhiêu? Điều đó có nghĩa, chế tài xử phạt là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa chế tài xử phạt là tất cả.
 Theo phân tích của chuyên gia giao thông này, nếu chế tài xử phạt nghiêm khắc, người vi phạm khi đối diện với hành vi vi phạm nào đó sắp xảy ra sẽ có sự đắn đo, suy nghĩ. Điều này có thể thấy rõ với hành vi sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông. Sau khi chế tài xử phạt đối với hành vi này được nâng lên rất cao trong Nghị định 100/2019 thì những “ma men sau tay lái” đã giảm hẳn. Thậm chí, trong thời gian đầu khi lực lượng chức năng ra quân thực hiện Nghị định 100/2019, nhiều quán bia, quán nhậu đã rơi vào tình trạng vắng vẻ một cách không ngờ.
Cùng với đó, dịch vụ xe ôm, taxi đưa đón người đi nhậu cũng “ăn nên làm ra” một cách đáng kể. Đây chính là ví dụ điển hình cho thấy tác động tích cực của chế tài xử phạt đối với thái độ hành vi của người vi phạm. Tuy nhiên, chế tài xử phạt không phải là tất cả mà yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự hiệu quả của công tác đảm bảo trật tự, ATGT lại nằm ở công tác thực thi pháp luật của lực lượng chức năng.
TS Nguyễn Hữu Đức tái khẳng định, mức xử phạt chỉ là một phần mà quan trọng hơn là tính nghiêm túc của việc thực thi pháp luật. Bởi đôi khi chỉ cần một lời nhắc nhở có sức nặng của cán bộ công an cũng khiến người tham gia giao thông thay đổi nhận thức một cách rõ ràng. Còn nếu chế tài cao mà thực thi không nghiêm túc sẽ chẳng những không có hiệu quả mà còn có thể nảy sinh tiêu cực. “Không phải cứ nâng cao chế tài xử phạt sẽ có tác dụng nếu không có những điều kiện khác. Ví dụ như bản thân các lực lượng thực thi pháp luật phải thật sự nghiêm chỉnh, gương mẫu” - TS Nguyễn Hữu Đức nói.
 Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội đặt vấn đề nếu tăng mức phạt, cơ quan quản lý phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch trong đội ngũ xử phạt và công khai số tiền thu được sẽ sử dụng vào lĩnh vực nào. Việc nghiên cứu tăng chế tài xử phạt đối với đội ngũ xử phạt vi phạm giao thông cũng cần thiết không kém so với chế tài xử phạt dành cho người vi phạm giao thông. Bởi có chế tài này thì mới hạn chế được tiêu cực trong đội ngũ thực thi pháp luật. “Mọi người đều bình đẳng với nhau trước pháp luật.
Bởi thế khi tăng chế tài xử phạt với người vi phạm giao thông cũng nên làm điều tương tự đối với đội ngũ xử phạt vi phạm giao thông. Nhất là khi điều này giúp hạn chế tiêu cực trong hàng ngũ cơ quan thực thi pháp luật. Thậm chí điều này còn có thể mang đến hiệu ứng tích cực đối với người dân” - luật sư Bùi Đình Ứng nhận định.

"Khi nhìn nhận về một văn bản luật chúng ta không nên chỉ quan tâm đến việc chế tài xử phạt mà cái cần quan tâm là tính khả thi cũng như hiệu quả mà văn bản luật ấy mang lại. Ví dụ như Nghị định 100/2019, đây là văn bản luật có chế tài xử phạt rất mạnh và thời gian đầu khi thực thi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhưng hiệu quả này không tới từ chế tài mạnh mà bắt nguồn từ công tác thực thi của lực lượng chức năng thời gian đó rất mạnh, đồng bộ và hiệu quả. Nếu không có sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, Nghị định 100/2019 có lẽ đã rất thành công rồi." -Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức

Quý Nguyễn

Tin liên quan