Ý thức kém dễ gây tai nạn giao thông

 
Chia sẻ

Số vụ tai nạn giảm nhưng tình hình giao thông còn diễn biến đầy quan ngại, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông TPHCM xung quanh vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố trong nửa đầu năm nay.

- Phóng viên: Ông có thể nói gì về tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay?

>> Ông Nguyễn Ngọc Tường: Các số liệu thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông, bao gồm va chạm giao thông, làm 304 người chết, làm 1.147 người bị thương.

So với cùng kỳ năm ngoái, số tai nạn giao thông đã giảm đi 115 vụ, xấp xỉ mức giảm 6,46%, số người chết giảm 39 người tương ứng mức giảm 11,4% và số bị thương cũng giảm 68 người, tương đương mức giảm 5,6%.

Trong số này, tai nạn giao thông đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo với 1.660/1.669 vụ. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 3 vụ làm 3 người chết, còn tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 2 vụ, không gây ra thương vong về người. Nửa đầu năm nay, toàn địa bàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

- Mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng tai nạn giao thông vẫn còn hàng ngàn vụ. Theo ông vì sao số vụ tai nạn giao thông còn nhiều như vậy?

Chúng tôi cho rằng đây là hệ quả của tổng hợp nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đáng kể đó là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả.

Tính đến nay, thành phố đang quản lý 8.945.645 phương tiện trong đó hơn 8,1 triệu mô tô, hơn 825.000 ô tô. Số lượng phương tiện tăng cao nhưng ý thức chấp hành pháp luật, ở đây là Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe container và người bộ hành.

Theo thống kê chúng tôi ghi nhận được, các vụ tai nạn giao thông xảy ra gây thương vong nhân mạng nhiều nhất tập trung vào các nguyên nhân do lái xe cơ giới, như lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tay lái kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ… Hơn 90% vụ tai nạn giao thông là có liên quan đến ý thức chưa cao của người điều khiển phương tiện giao thông !

Y thuc kem de gay tai nan giao thong - Hinh anh 1
Phương tiện giao thông tại TPHCM quá đông. Ảnh: THÀNH TRÍ

Trong khi đó công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh, đậu xe không đúng quy định vẫn còn diễn ra nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường. Tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn còn, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Ngay cả lực lượng chuyên trách nòng cốt là cảnh sát giao thông do bị căng kéo vào nhiều nhiệm vụ khác nhau nên cũng chưa đảm bảo việc thường xuyên, liên tục tuần tra khép kín địa bàn.

- Tình hình ùn tắc giao thông thì sao, thưa ông?

Địa bàn thành phố không xảy ra vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, so với thời gian liền kề và cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên tình trạng ùn ứ giao thông lại diễn biến phức tạp, thường xuyên vào các giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường trong đó chủ yếu là các tuyến cửa ngõ, tuyến đường xuyên tâm, đường ra vào cảng.

Tình trạng các phương tiện ùn ứ, di chuyển chậm tiếp tục xảy ra khá nhiều do bị ảnh hưởng của các yếu tố như mưa lớn, các công trình cải tạo hạ tầng giao thông, thoát nước, sự tập trung mật độ người xe tham gia giao thông quá lớn trong các giờ cao điểm…

- Ông nói gì về tình trạng vẫn còn xảy ra tụ tập đua xe?

Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận có 16 tốp thanh thiếu niên tụ tập đua xe, gây rối trật tự công cộng, giảm 56 nhóm so với cùng kỳ năm 2018. Lực lượng chức năng đã xử lý các lỗi như lưu thông thành đoàn, lạng lách, tụ tập dàn hàng ngang, sử dụng pô xe không có bộ phận giảm thanh….

Nhìn chung tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng thời gian qua diễn ra phức tạp và thường xuyên vào hầu hết các ngày trong tuần.

Các đối tượng này sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để tụ họp thành các nhóm liên kết, hẹn thời gian, địa điểm thậm chí cắt cử người theo dõi hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông để thay đổi địa điểm tụ tập, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, xử lý của lực lượng chức năng.

- Có những giải pháp đáng chú ý nào trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn thành phố trong 6 tháng cuối năm?

Chúng tôi cho rằng công tác đảm bảo TTATGT cho thành phố trong thời gian tới để đạt được hiệu quả thì cần có biện pháp tổng hợp trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý sai phạm và tiếp tục chiều hướng tổ chức giao thông một cách hợp lý, khoa học.

Trong công tác tuyên truyền vận động, cần phải xác định đây không chỉ là việc của riêng Sở GTVT mà còn là phần trách nhiệm của nhiều sở ban ngành, từ Ban ATGT, Công an thành phố, Sở Giáo dục và đào tạo đến các tổ chức chính trị xã hội.

Việc tham gia, hưởng ứng công tác tuyên truyền rộng khắp như vậy sẽ góp phần nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề chấp hành các quy định về ATGT.

Tương tự, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm không phải chỉ là việc của lực lượng công an thành phố mà còn là trách nhiệm của chính quyền các quận huyện, các lực lượng thanh tra chuyên ngành…

Đối với công tác tổ chức giao thông, điểm mấu chốt là chỉ có thể khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu nếu giao thông đi lại được tổ chức chặt chẽ, khoa học.

Vì thế chúng tôi cho rằng trong vấn đề này, phần việc của Sở GTVT là tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc kịp thời duy tu hệ thống đường bộ, rà soát và hoàn thiện hệ thống biển báo, cấm xe tải, xe container lưu thông vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường có tai nạn giao thông tăng…

Theo Sài Gòn giải phóng

Tin liên quan