Phê duyệt khai thác tạm 2 đoạn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành

TRẦN NAM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cục Đường bộ Việt Nam vừa phê duyệt phương án khai thác tạm đoạn Km0+000 - Km3+420 và đoạn Km50+530 - Km57+581 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài gần 58km, được khởi công vào giữa năm 2014 với tổng mức đầu tư hơn 31,3 nghìn tỷ đồng.

 

Tháng 10/2024, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có tờ trình gửi Cục Đường bộ Việt Nam về phê duyệt phương án tổ chức giao thông để đưa vào khai thác tạm hai đoạn tuyến thuộc đường cao tốc Bến Lức - Long Thành từ Km0+000 - Km3+420 (từ nút giao đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (tỉnh Long An) đến quốc lộ 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) dài 3,4km và đoạn từ Km50+530 - Km57+581 (từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai)) dài 6,1km. Thời gian khai thác tạm bắt đầu từ tháng 11/2024.

 

Đến này 9/1/2025, Cục Đường bộ Việt Nam có quyết định phê duyệt phương án tổ chức giao thông giai đoạn khai thác tạm đối với 2 đoạn tuyến thuộc dự án. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

Theo quyết định, đối với đoạn đầu tuyến, phương tiện và tải trọng được tham gia giao thông chỉ cho phép ô tô tải từ 10 tấn trở xuống, ô tô khách, ô tô con tham gia giao thông. Các phương tiện giao thông khác phục vụ dự án, bảo hành, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì dự án và phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết.

 

Vận tốc tối đa cho phép đối với đoạn đường cao tốc ngoài các nút giao là 60km/h. Trong phạm vi nút giao số 1 và vòng xuyến nút giao số 2 là 40km/h. Đối với phần đường dẫn và các nhánh khác, vận tốc tối đa là 50km/h.

 

Đối với đoạn cuối tuyến, các phương tiện giao thông đường bộ được phép tham gia giao thông trừ các phương tiện sau: xe máy chuyên dùng tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h, xe máy, xe mô tô 2 bánh, máy kéo, mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự), xe máy thi công tự hành, xe bánh xích và trừ các phương tiện này nhưng để phục vụ dự án, bảo hành, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì dự án và phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết. Ngoài ra, các phương tiện xe đạp, xe súc vật kéo, các phương tiện thô sơ khác, người đi bộ, súc vật cũng không được phép tham gia giao thông trên đoạn tuyến này.

 

Về vận tốc tối đa cho phép, đối với đoạn đường cao tốc ngoài các nút giao là 100km/h, tối thiểu 60km/h. Riêng các đoạn chuyển tiếp trước khi đến nút giao, sau khi ra khỏi nút giao được bố trí cắm biển báo hiệu tốc độ phù hợp để các phương tiện giảm dần tốc độ (đối với trường hợp trước khi đến nút giao, trước khi rẽ); tốc độ tăng dần sau khi rời khỏi nút giao, sau khi nhập làn để đi vào cao tốc. Trong phạm vi nút giao số 7 và nút giao số 8, tốc độ cho phép 40km/h.

 

Mục đích của phương án tổ chức giao thông tạm nhằm kết nối các tuyến đường bộ trong khu vực, điều chỉnh, giảm lưu lượng tham gia giao thông các tuyến đường bộ đang khai thác trong khu vực góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong khu vực dịp Tết Nguyên đán 2025 và bảo đảm giao thông dịp lễ hội Xuân 2025.

 

Tin liên quan