Đường Vành đai 3 trên cao có phải là cao tốc?

HẢI DƯƠNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đường Vành đai 3 trên cao ở Hà Nội có phải đường cao tốc? Nếu là cao tốc, vì sao không phải Cục CSGT xử lý mà lại là Phòng CSGT thuộc Công an TP Hà Nội xử phạt?,… là những câu hỏi được nhiều độc giả thắc mắc với Giaothonghanoi.

Hiện nay, tuyến đường Vành đai 3 trên cao luôn trong tình trạng đông đúc, thậm chí ùn tắc kéo dài. Đây là một phần lý do khiến nhiều phương tiện ngang nhiên đi vào làn dừng xe khẩn cấp, vốn chỉ dành cho những tình huống “khẩn cấp” như hỏng xe, tai nạn hoặc cho các phương tiện ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm về lỗi “đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc” rộ lên trong thời gian gần đây, đa số độc giả tỏ ra đồng tình và cho rằng cần xử phạt nghiêm hành vi này thông qua hệ thống camera giám sát để răn đe.

Tuy vậy, không ít người tỏ ra băn khoăn về việc Vành đai 3 trên cao có phải là cao tốc và xử phạt lỗi này trên Vành đai 3 có đúng quy định hiện hành hay không?

“Tôi thắc mắc không biết đường Vành đai 3 trên cao có được gọi là cao tốc hay không? Nếu là cao tốc thì tại sao thẩm quyền xử lý vi phạm không thuộc Cục CSGT mà lại là Phòng CSGT Hà Nội?”, anh T.M nêu ý kiến.

Tại khoản 12, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Đường cao tốc” là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định".

Theo tìm hiểu, đường Vành đai 3 trên cao đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long có ký hiệu là CT.20. Tại đầu đường và các nút giao nhập làn đều có treo biển báo số IE.452 theo Quy chuẩn quốc gia số 41/2019/BGTVT. Biển này có tác dụng chỉ dẫn bắt đầu đường cao tốc, có tên đường, chữ Expressway (đường cao tốc) và tốc độ di chuyển cho phép.

Duong Vanh dai 3 tren cao co phai la cao toc? - Hinh anh 1
 Ảnh minh hoạ

Như vậy, Vành đai 3 trên cao hoàn toàn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định của đường cao tốc hiện hành. Đồng thời, cũng cần khẳng định rằng, làn dừng khẩn cấp không cho phép các loại xe đi vào. Điểm c, khoản 1, điều 26 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định rất rõ: “Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường”.

Trao đổi với PV Giaothonghanoi, đại diện của Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hiện nay Cục CSGT đang được giao tuần tra kiểm soát tại 8 tuyến cao tốc bao gồm: Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lào Cai; TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ thuận và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

“Các tuyến cao tốc nội tỉnh (chỉ đi qua 1 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương-PV) như vành đai 3 trên cao hay đại lộ Thăng Long ở Hà Nội thì công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Phòng CSGT cấp tỉnh”, vị này cho hay.

Như vậy, việc xử lý các vi phạm, trong đó có hành vi đi vào làn khẩn cấp trên Vành đai 3 đang được Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) xử lý như hiện nay là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Theo khoản 5, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được chỉnh sửa, bổ sung bởi Nghị định 123/2022/NĐ-CP), hành vi "điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc" bị phạt tiền ở mức 4-6 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX 1-3 tháng.

Tin liên quan