Công an huyện Mê Linh đã xác định danh tính và đang lập hồ sơ xử lý 3 thanh niên hút thuốc tại cây xăng, gây cháy. Trước đó, tại cây xăng thuộc xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, có 3 thanh niên không đội mũ bảo hiểm đi vào đổ xăng. Nhân viên cây xăng đã nhắc nhở nhưng 1 thanh niên cố tình cúi đầu vào gần bình xăng rồi châm lửa hút thuốc và ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Rất may, ngọn lửa đã được dập tắt nên không có thiệt hại về người và tài sản.
Trước hành vi nguy hiểm của nhóm thanh niên nói trên, Công an xã Tiền Phong đã rà soát, trích xuất camera, xác minh và triệu tập nhóm thanh niên này đến để làm rõ. Danh tính 3 người này được xác định là H.M.D (SN 1999), N.K (SN 1997) và N.V.Đ (SN 1999); cùng trú tại Mê Linh. Tại cơ quan công an, H.M.D đã thừa nhận việc dùng bật lửa để hút thuốc gây cháy tại cây xăng.
Nhóm thanh niên đùa giỡn, hút thuốc gây cháy ở cây xăng
|
Căn cứ điểm a, Khoản 3, Điều 33 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, Công an xã Tiền Phong đã lập biên bản xử phạt đối với H.M.D về hành vi sử dụng nguồn lửa, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm.
Theo quy định, mức xử phạt đối với hành vi này là từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, Công an xã Tiền Phong cũng lập hồ sơ xử lý đối với nhóm thanh niên trên về hành vi liên quan đến vi phạm trật tự an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chở người ngồi trên xe ko đội mũ bảo hiểm, chở quá từ 3 người trở lên.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau: Các cơ sở cửa hàng xăng dầu luôn là nơi tiềm ẩn những nguy cơ, nguy hiểm dẫn đến cháy, nổ. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy chữa cháy thì việc xảy ra cháy, nổ sẽ dẫn tới hậu quả rất lớn không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn cả tính mạng, sức khỏe con người.
Xăng dầu là nhiên liệu đặc biệt nhạy lửa, dễ bay hơi, kể cả khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, xăng vẫn hóa hơi, kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp chất nguy hiểm gây ra cháy, nổ khi bắt gặp nguồn lửa, nguồn nhiệt. Do đó, các cửa hàng xăng dầu ngoài việc phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc an toàn phòng cháy chữa cháy mà còn phải niêm yết đầy đủ các biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc, cấm sử dụng điện thoại di động và niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy rõ ràng, nơi dễ thấy để mọi người đọ và yêu cầu khách hàng thực hiện nghiêm túc và không sử dụng điện thoại di động hoặc hút thuốc trong khu vực bơm xăng, dầu.
Trường hợp 1 thanh niên cố tình cúi đầu vào gần bình xăng rồi châm lửa hút thuốc trong khi nữ nhân viên đang bơm xăng khiến ngọn lửa bùng cháy dữ dội là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quy định của Nhà nước về PCCC nhằm đảm bảo an toàn công cộng, tính mạng, sức khỏe công dân và bảo vệ tài sản của Nhà nước và công dân. Xét hành vi của đối tượng thể hiện sự coi thường pháp luật, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy khi hút thuốc ở nơi cấm hút và có nguy cơ đặc biệt về cháy nổ và thực tế đã xảy ra bùng cháy đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự.
Dù ngọn lửa đã được dập tắt, không có thiệt hại về người và tài sản nhưng khả năng thực tế dẫn tới hậu quả gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho nhiều người đang có mặt và toàn bộ tài sản của cửa hàng xăng dầu là rất lớn. Do đó, theo quan điểm của luật sư, hành vi của đối tượng đã có thỏa mãn dấu hiệu phạm tội theo Khoản 4 Điều 313 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.