Khi phượt thủ “phượt” luật giao thông

 
Chia sẻ

Chế tài đã có, nhưng thực tế việc xử lý các phượt thủ vi phạm luật giao thông lại không hề dễ dàng.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, chỉ những phương tiện như xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, đoàn xe có cảnh sát dẫn đường, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu… mới được quyền ưu tiên di chuyển.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng một số đoàn phượt thủ ngang nhiên chặn các phương tiện khác trên đường để lưu thông như đoàn xe ưu tiên diễn ra ngày càng thường xuyên. Chế tài đã có, nhưng thực tế công tác truy tìm, triệu tập các đối tượng vi phạm để xử lý lại không hề dễ. 

Khi phuot thu “phuot” luat giao thong  - Hinh anh 1
Hình ảnh nam thanh niên chặn đường tại Hải Dương cho đoàn xe “phượt thủ” chạy qua trong clip xuất hiện trên mạng xã hội ngày 21/7 

Hôm 21/7 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một nam thanh niên được cho là thành viên trong đoàn đi phượt, dừng tại ngã tư Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, sau đó cho xe máy quay ngang và tự ý phân làn đường để đoàn khoảng 40 xe máy khác nối đuôi nhau băng qua như đoàn xe đi làm nhiệm vụ được ưu tiên đặc biệt, bất chấp đèn tín hiệu giao thông.

“Tôi cũng mấy lần gặp đoàn kiểu này trên quốc lộ 5. Các thanh niên dàn hàng phóng rất nhanh, người đi đường ai cũng sợ nên dẹp hết vào lề. Theo tôi, đây là hành vi coi thường luật giao thông cần xử lý nghiêm”.

“Tôi nghĩ đi phượt là thú chơi, sở thích của nhiều người, song phượt thủ cũng cần có có văn hóa, đặc biệt là văn hóa khi tham gia giao thông. Nó không chỉ đảm bảo an toàn giao thông cho chính họ mà còn cả những người tham gia giao thông xung quanh họ”.

Trước đó, cuối năm 2018, hình ảnh nhóm phượt thủ ngang nhiên dùng xe máy chắn ngang một ngã tư tại Nam Định cho đoàn phượt khoảng 200 người phóng qua với tốc độ nhanh cũng khiến dư luận bất bình.

Thực tế, những năm gần đây, đi phượt trở thành trào lưu hấp dẫn nhiều bạn trẻ đam mê khám phá. Tuy nhiên, những vụ tai nạn thương tâm khi đi phượt cũng gióng lên hồi chuông báo động về ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ. Nhiều trường hợp không tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông như: dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, đi vào đường cao tốc, dừng đỗ, vượt sai quy định, thậm chí là đua xe, cổ vũ đua xe trái phép... 

Anh Thanh Tùng, một người có nhiều năm dẫn đoàn phượt ở các tỉnh miền núi phía Bắc chia sẻ quan điểm: “Theo mình, dù các bạn có đi phượt hay làm gì thì cũng phải làm theo đúng pháp luật. Hành động một số bạn thể hiện sai luật pháp thì không đẹp, cần xem lại và điều chỉnh bản thân. Những nhóm phượt thì phải có cơ chế ngăn chặn những hành vi như vậy, còn vẫn tiếp diễn thì phải chịu các hình phạt từ pháp luật”. 

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, việc nhóm phượt thủ điều khiển xe thành đoàn gây cản trở các phương tiện khác đồng thời không tuân thủ đèn tín hiệu là vi phạm Luật giao thông đường bộ. Hành vi này có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định 46/2016 với mức phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng.

Tuy nhiên, việc xử lý hiện nay còn gặp một số khó khăn, do lực lượng chức năng mỏng, không thể kiểm soát hết các đoàn phượt vốn đi tản mát và trải trên địa bàn rộng, qua nhiều địa phương.

Luật sư Trần Tuấn Anh nêu giải pháp tháo gỡ: “Rõ ràng trong thời gian vừa qua chúng ta thấy rằng biện pháp phạt nguội đạt kết quả rất cao. Hiện tại còn chấp nhận cả những hình ảnh không phải từ cơ quan chức năng mà có thể qua camera hành trình của người dân hoặc người đi đường cung cấp cho chính quyền để xử lý, sau đó yêu cầu triệu tập các đối tượng lên và nếu các đối tượng nhận các hành vi này thì chúng ta hoàn toàn có thể xử phạt được. Chính vì vậy, theo tôi đây là hình thức chúng ta cần nhân rộng và phát triển”.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Nguyên cán bộ xử lý vi phạm thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội nhận định, thực tế xử phạt các đoàn phượt thủ vi phạm luật giao thông chưa nhiều, chưa tạo được tính răn đe. Nguyên nhân một phần do Luật quy định chưa chặt chẽ và cụ thể: “Theo Nghị định 46 năm 2016 quy định các mức xử phạt thì chỉ quy định chung về các tình huống chung, không có quy định riêng về vi phạm quy tắc giao thông của các đoàn phượt thủ. Cần thiết, khi sửa đổi luật, chúng ta cần những tình tiết cụ thể khi tham gia giao thông thành đoàn mà cùng vi phạm luật giao thông như vậy, để có biện pháp xử lý kịp thời và đủ tính răn đe”.

Khi phuot thu “phuot” luat giao thong  - Hinh anh 2
Dư luận bức xúc khi các phượt thủ tự ý bố trí người điều khiển các phương tiện giao thông khác dừng lại cho đoàn chạy qua

Đề cập vấn đề này, ông Khương Kim Tạo – Nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nêu quan điểm: Việc nguy hiểm nhất của hành vi tổ chức giao thông để đi như đoàn xe ưu tiên là vấn đề tốc độ. Do muốn lưu thông nhanh, đôi khi vượt quá tốc độ cho phép, mà các đoàn phượt thủ với phần lớn là xe mô tô phân khối lớn đã vô thức vi phạm luật giao thông.   

Ông Khương Kim Tạo nói: “Thực ra các nhóm phượt thủ cũng chỉ có tính chất tụ họp để vui chơi, chứ không mang tính chất manh động và côn đồ. Nên chúng ta giáo dục, tuyên truyền tốt thì tôi tin là chúng ta sẽ xử lý, ngăn chặn được”.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Viện Xã hội học phân tích: việc tự ý chặn các phương tiện trên đường chưa hẳn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một số bạn trẻ được gọi là “phượt thủ” mà là hành vi cố ý nhằm thỏa mãn cái tôi vị kỷ của một số cá nhân: “Tôi không cho rằng hành vi này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, mà đây là những hành vi có tính chất cố ý nhằm thỏa mãn cái tôi vị kỷ. Những hành vi như vậy theo tôi cần phải có trừng phạt thích hợp. Bởi lẽ, để xảy ra một, hai vụ rồi về sau những phượt thủ sẽ hành xử theo kiểu tự nhiên, đương nhiên và nghĩ rằng những hình thức, hoạt động của mình là độc đáo, có quyền miễn trừ, có quyền ưu tiên và giống như một sự vinh quang, ân huệ riêng trong cộng đồng xã hội”. 

Cũng theo PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, thời gian gần đây, xuất hiện một nhóm nhỏ các bạn trẻ thường hay lấy lối văn hóa riêng của mình để chống lại những quy định chung của cộng đồng. Khi thực hiện những hành vi vi phạm mà không bị xử lý, họ coi đây là thành quả đáng tự hào. Chính vì vậy, việc giáo dục trong nhà trường, gia đình, đặc biệt trong công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe có ý nghĩa quan trọng để ngăn chặn hành vi này cũng như nâng cao ý thức của các bạn trẻ khi tham gia giao thông.

Có di chuyển trên các cung đường du lịch ở nước ta mới thấy cảnh tượng nguy hiểm của các phượt thủ đến nhường nào? Khi thì dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, đi vào đường cấm, dừng đỗ, tránh, vượt sai quy định. Khi thì đi sai phần đường, làn đường, điều khiển xe chạy bằng một bánh, bấm còi, rú ga liên tục trong khu đông dân cư, thậm chí là lạng lách, đánh võng…

Đã không ít vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các phượt thủ đi thành nhóm đông người, sử dụng phương tiện có phân khối lớn, không tuân thủ các quy tắc giao thông và thiếu kỹ năng, bảo hộ cần thiết trong quá trình phượt.

Những tưởng, sau những vụ tai nạn giao thông thương tâm sẽ có rất nhiều bài học xương máu được được rút ra, nhưng rất nhiều phượt phủ vẫn phớt lờ các quy định về an toàn khi tham gia giao thông, và tự cho mình cái quyền người khác phải nhường đường.

Điển hình là vụ việc xảy ra vào cuối năm 2018, tại ngã tư Lê Hồng Phong – Hùng Vương, thành phố Nam Định. Một đoàn phượt thủ gồm khoảng 200 xe máy đã cử một nhóm người chặn đường người tham gia giao thông khác để cho đoàn phượt thủ thoải mái phóng qua. 

Trong khi sự việc trên còn đang làm đau đầu cơ quan chức năng, thì ít ngày sau đó,một nhóm phượt khác gồm hàng chục người điều khiển xe máy nối đuôi nhau phóng như bay trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, bất chấp đây là đường cao tốc cấm mô tô, xe máy lưu thông. 

Mặc dù cả 2 vụ việc này không để lại hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người, nhưng ngay lập tức nó trở thành tâm điểm của dư luận xã hội. Cộng động mạngdậy sóng chỉ trích thậm tệ khi cho rằng, họ đã làm xấu đi hình ảnh dân phượt chân chính, khiến người dân nhìn nhận về phượt một cách méo mó, sai lệch.

Trên thực tế, việc xử phạt các đoàn phượt thủ vi phạm luật giao thông của lực lượng CSGT gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn. Thậm chí, có những địa phương còn coi việc xử phạt đối với khách du lịch là vấn đề hết sức “nhạy cảm”. Trong khi đó, luật quy định chưa chặt chẽ, không cụ thể và thiếu tính răn đe dẫn tới tình trạng nhờn luật.

Trong khi các ban ngành ngành chức năng còn đang loay hoay tìm liều thuốc đặc trị cho “căn bệnh nhờn luật”, thì nên chăng những “thủ lĩnh” của các đoàn phượt, nhóm phượt hãychứng tỏ bản thân là phượt thủ chân chính và có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở các thành viên chấp hành nghiêm quy định của luật giao thông và có văn hóa tham gia giao thông. 

Dẫu biết rằng, để thay đổi một “thói quen xấu” trong tham gia giao thông là cả một quá trình nhận thức. Song, nếu không thay đổi luôn và ngay, thì những chuyến đi mang tính chất trải nghiệm, khám phá của các phượt thủ sẽ bớt đi lý thú, thậm chí là phải trả cái giá rất đắt nếu tai nạn ập đến từ sự nhận thức lệch lạc là tự cho mình cái quyền người khác phải nhường đường.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h