Không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em sẽ bị phạt đến 300 ngàn đồng

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), mỗi năm nước ta có gần 2.000 trẻ em bị chết vì tai nạn giao thông (TNGT), chiếm 24 đến 26% số trẻ em chết do tai nạn, thương tích; trong đó, gần 50% các trường hợp bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4% số ca chấn thương sọ não do TNGT.

Khong doi mu bao hiem cho tre em se bi phat den 300 ngan dong - Hinh anh 1

Theo các chuyên gia y tế, việc trẻ em không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không vừa đầu rất nguy hiểm, khi gặp tai nạn mũ thường sẽ văng ra ngoài. Với trẻ em, sức chịu đựng của não rất thấp, liên kết giữa các dây thần kinh ở não còn lỏng lẻo, khi chịu va đập mạnh, toàn bộ phần não đều bị ảnh hưởng, dễ hôn mê, bất tỉnh,… Kết quả nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mũ bảo hiểm có thể làm giảm 42% nguy cơ tử vong và 69% nguy cơ chấn thương khi bị va chạm giao thông.

Hiện nay, việc tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em mới chỉ tập trung ở các đô thị, thành phố lớn; tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, xe đạp điện vẫn còn xảy ra nhiều ở các vùng nông thôn, các tuyến đường liên huyện, liên xã; công tác phối hợp tuyên truyền giữa các ngành, các cấp còn hạn chế.

Theo quy định tại điều 30, Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Nếu chở người ngồi trên xe không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc "đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật thì người điều khiển sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại điểm k, khoản 2, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính; Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay...

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h