Người lao động cần làm gì khi bị doanh nghiệp “ép” ra đường không chính đáng?

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Phải ra đường theo yêu cầu của doanh nghiệp (DN), người lao động đối mặt với rủi ro về sức khỏe, có nguy cơ bị xử phạt hành chính hay nghiêm trọng hơn là xử lý hình sự. Do đó, người lao động có quyền phản hồi đối với yêu cầu vô lý của DN trong thời gian giãn cách xã hội...

Kể từ ngày 24/7, Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND về việc giãn cách xã hội để phòng, chống lây lan dịch Covid-19. Theo đó, TP khuyến cáo người dân chỉ ra đường khi cầm mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Đối với cơ quan, DN trên địa bàn, những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thật sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác. Đồng thời, UBND TP áp dụng mẫu giấy đi đường đồng bộ để thực hiện kiểm soát lý do tham gia giao thông của người dân.

Các chốt kiểm tra, khi phát hiện các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, cần thông tin đến Công an phường, xã, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức xác nhận giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà làm căn cứ để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, DN chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của TP về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số đơn vị, DN không thực sự nghiêm túc chấp hành chỉ đạo khi yêu cầu người lao động làm việc tại trụ sở đối với cả những bộ phận có thể làm việc trực tuyến. Điều này dẫn đến việc nhiều người lao động dù bức xúc nhưng vẫn phải thực hiện theo yêu cầu của DN, do lo ngại bị mất việc.

Theo luật sư Khúc Thị Quyên, Văn phòng luật Tiền Phong, Đoàn Luật sư Hà Nội, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động về mặt pháp lý được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 5 Bộ Luật lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người lao động. Do đó, việc người lao động ra đường do điều động của công ty là trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.

Nguoi lao dong can lam gi khi bi doanh nghiep “ep” ra duong khong chinh dang? - Hinh anh 1
 Lực lượng chức năng thực hiện kiểm soát giấy tờ đi đường của người dân và thực hiện xử phạt nếu không có lý do chính đáng.

Tuy phải ra ngoài theo yêu cầu của DN, nhưng nếu không may làm lây lan Covid-19 cho người khác thì người lao động vẫn có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Cụ thể, người có hành vi làm lây lan dịch bệnh có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 7, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Do đó, luật sư Khúc Thị Quyên cho rằng để hạn chế thấp nhất tình trạng người dân vẫn phải ra đường trong thời gian dịch bệnh, chế tài xử phạt cần tập trung áp dụng đối với DN, bởi lẽ việc điều động nhân viên ra đường để thực hiện công việc là một trong những hành vi tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh.

Sở Tư pháp TP Hà Nội cũng đã công bố mức xử phạt đối với 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, mức phạt tiền cao nhất là 200 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù tối đa 20 năm. Vì vậy, bản thân người lao động cũng phải nắm được các quy định về phòng chống dịch để phản hồi DN trong trường hợp được giao nhiệm vụ ra đường trong thời gian giãn cách.

Tin liên quan