Một số vụ đưa người trái phép vào Việt Nam được cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua
|
Mờ mắt vì lợi nhuận
Sáng 25/7, Công an TP Đà Nẵng cho biết các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TP này. Theo điều tra ban đầu, những người này vào Đà Nẵng theo "đường dây" do công dân Việt Nam câu kết với các cá nhân người Trung Quốc tổ chức.
Điển hình, ngày 16/7 lực lượng chức năng Đà Nẵng kiểm tra hành chính một khách sạn ở quận Sơn Trà, phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Công an Đà Nẵng đã khởi tố vụ án "Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam" trái phép theo Điều 348, Bộ luật Hình sự. Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp 3 nghi can, gồm 1 người Trung Quốc và 2 người Việt Nam.
Còn tại biên giới phía Bắc, ngày 24/7, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng ở TP Móng Cái do có hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép".
Quá trình điều tra xác định, trong thời gian làm việc tại TP Đông Hưng (Trung Quốc), Voòng A Sủi (SN 1997, trú xã Hải Sơn, TP Móng Cái) quen biết với một người Trung Quốc tên 'A Lùng. Sủi và A Lùng kết bạn qua Wechat để liên lạc, nói chuyện với nhau. Đến ngày 9/6/2020, A Lùng gọi điện thoại cho Sủi qua Wechat đặt vấn đề thuê Sủi tổ chức cho một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Đông Hưng, Trung Quốc đến Móng Cái.
Sủi đồng ý và thống nhất với A Lùng chi phí để tổ chức nhập cảnh trái phép là 4.000 nhân dân tệ/1 người.
Trong ngày 9 và 10/6/2020, tại khu vực biên giới Mốc 1355, thuộc thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, nhóm này đã tổ chức đón 6 người quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Móng Cái.
Tất cả các đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc có liên quan trong vụ án đều nhận thức được thời điểm hiện tại Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc chưa cho phép công dân xuất nhập cảnh với mục đích du lịch. Tuy nhiên do nhận thức pháp luật hạn chế, không có công việc ổn định, nhóm đối tượng ở Móng Cái đã bất chấp pháp luật, thực hiện hành vi tổ chức xuất nhập cảnh trái phép để vụ lợi.
Trước đó, 20/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố và lệnh tạm giam đối với các đối tượng: Nguyễn Văn Khải (SN 1965, trú tại ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang), Đỗ Văn Quên (SN 1986, trú tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và Vann Nath (tên gọi khác Linh, SN 1983, trú tại xã Prek Chray, huyện Koah Thum, tỉnh Kandal, Campuchia) để điều tra về hành vi "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép".
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, Khải cùng Quên và Nath đã nhiều lần câu móc với các đối tượng bên Campuchia tổ chức đưa trót lọt nhiều người qua lại Việt Nam - Campuchia trái phép để thu lợi bất chính công từ 250.000 - 300.000 đồng/người. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng tổ chức giao, nhận khách vào ban đêm và thường xuyên thay đổi địa điểm.
Khởi tố vụ án để răn đe
Có thể thấy, các đối tượng trong những vụ án đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đều nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình, nhưng vì lợi nhuận họ vẫn cố tình thực hiện.
Nhận định về vụ việc, trao đổi với Kinh tế và Đô thị, luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc khởi tố vụ án để điều tra liên quan đến hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là cần thiết. Qua đó, cơ quan tố tụng có biện pháp xử lý hình sự để răn đe, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang chưa có dấu hiệu được khống chế tại các quốc gia trong khu vực.
Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định: Người nào vì vụ lợi mà tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội hai lần trở lên; đối với từ năm người đến 10 người; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm: Đối với 11 người trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; làm chết người.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Để kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan ra cộng đồng, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, TP tăng cường kiểm soát nhập cảnh và quản lý người nước ngoài nhập cảnh.
Ban chỉ đạo quốc gia đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm soát nghiêm, chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý người nước ngoài đến bất hợp pháp trên địa bàn; quản lý chặt chẽ người nước ngoài được phép đến làm việc, lưu trú tại địa phương, lưu ý tại các công trường, xí nghiệp, nơi học tập, khách sạn, nhà nghỉ...
UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân, thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý nghiêm; chỉ đạo các cơ quan liên quan lập danh sách tất cả những người nhập cảnh trái phép lưu trú tại địa phương, cách ly ngay, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm.
Nếu dương tính với SARS-CoV-2 cần chuyển ngay đến các cơ sở y tế để cách ly và điều trị, lập sanh sách và quản lý người tiếp xúc gần. Trường hợp có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định.