Những quy định mới về đăng ký xe, quyền hạn cảnh sát giao thông từ tháng 8/2020

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ Công an đã ban hành Thông tư 58/2020/TT-BCA và Thông tư 65/2020/TT-BCA với nhiều điểm mới sẽ được áp dụng từ tháng 8/2020.

Thông tư 58/2020/TT-BCA có hiệu lực từ 1/8/2020, quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thay thế cho Thông tư 15/2014.
Bán xe khác tỉnh phải nộp lại biển số và đăng ký xe
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 58, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe cho tổ chức, cá nhân khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ xe trực tiếp hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức dịch vụ nộp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký xe và biển số cho cơ quan đăng ký xe.
Đối với việc sang tên cho tổ chức, cá nhân trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì chủ xe trực tiếp hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức dịch vụ nộp đăng ký xe cho cơ quan đăng ký xe. Trường hợp tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế làm thủ tục sang tên ngay thì không phải làm thủ tục thu hồi đăng ký xe.
Sinh viên ngoại tỉnh không được đăng ký xe biển Hà Nội
Khi đi đăng ký xe, chủ xe phải nộp giấy khai đăng ký xe, giấy tờ của xe, đồng thời phải xuất trình giấy tờ của chủ xe.
Theo Điều 9 Thông tư 58, giấy tờ của chủ xe cần xuất trình nếu chủ xe là người Việt Nam gồm: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu;
Đối với lực lượng vũ trang: Chứng minh công an nhân dân hoặc chứng minh quân đội nhân dân hoặc giấy giới thiệu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác từ cấp trung đoàn, phòng, công an cấp huyện hoặc tương đương trở lên.
Như vậy, sinh viên, học sinh ngoại tỉnh không còn được đăng ký xe biển Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh bằng giấy giới thiệu của nhà trường, bởi Thông tư 58 đã bỏ thẻ học viên, sinh viên học theo hệ tập trung từ 02 năm trở lên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện; giấy giới thiệu của nhà trường ra khỏi giấy tờ của chủ xe hợp pháp.
Toàn bộ xe kinh doanh vận tải phải chuyển sang biển vàng
Theo điểm đ khoản 6 Điều 25, biển số ô tô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen…
Xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ bắt đầu chuyển sang biển màu vàng từ ngày 1/8/2020. Các phương tiện vẫn đang hoạt động trước ngày Thông tư 58 có hiệu lực sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng trước ngày 31/12/2021.
Trước đây, biển nền vàng, chữ đỏ quy định dành cho xe của khu kinh tế - thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ.
Thêm 4 trường hợp bị thu hồi đăng ký xe, biển số xe
So với quy định cũ, Thông tư 58 đã bổ sung 4 trường hợp bị thu hồi đăng ký xe, biển số xe, gồm:
Xe đã đăng ký nhưng không đúng hệ biển;
Xe thuộc diện sang tên, chuyển quyền sở hữu;
Xe quân sự không còn nhu cầu cấp biển số xe dân sự;
Xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc cấp biển số không đúng quy định.
Không có giấy tờ mua bán vẫn được sang tên xe qua nhiều đời chủ
Theo quy định hiện hành (Thông tư 15/2014/TT-BCA), bắt buộc phải có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong GCN đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng.
Tuy nhiên, tại Thông tư 58, với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người thì khi thực hiện sang tên xe, chỉ cần ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp, cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe và nộp các giấy tờ gồm:
GCN đăng ký xe, biển số xe;
Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong GCN đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có).
Như vậy, quy định mới không bắt buộc phải có giấy tờ mua bán vẫn được sang tên xe qua nhiều đời chủ. Tuy nhiên, quy định này chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2021.
GCN đăng ký xe tạm thời có giá trị trong thời hạn 30 ngày
Nếu như trước đây, GCN đăng ký xe tạm thời có giá trị trong thời hạn 15 ngày thì từ ngày 1/8/2020, GCN đăng ký xe tạm thời có giá trị lên đến 30 ngày.
Xe đăng ký tạm thời được phép tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời.
Thông tư 65/2020/TT-BCA có hiệu lực từ 5/8/2020, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát giao thông (CSGT).
Chỉ 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện
Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư này là quy định lại về các trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát. Theo đó, chỉ còn nêu 4 trường hợp, thay vì 5 trường hợp như trước đây, gồm: 
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác;
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Có văn bản đề nghị của thủ tưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm… Trong đó, văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
CSGT cấp huyện được ra đường quốc lộ xử phạt vi phạm giao thông
Theo quy định hiện hành, CSGT cấp huyện không được tự tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên đoạn quốc lộ mà chỉ được phép tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về TTATGT trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện khi phối hợp với phòng CSGT theo kế hoạch của giám đốc công an cấp tỉnh.
Còn theo Điều 6 Thông tư 65, các tuyến giao thông đường bộ mà lực lượng CSGT cấp huyện được kiểm soát, xử lý gồm:
Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư 65; Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư 65 đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng cảnh sát giao thông;
Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Thông tư 65; Phối hợp với phòng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng cảnh sát giao thông.
Như vậỵ, từ 5/8, CSGT cấp huyện có thể tự bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không phải là tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình TTATGT phức tạp (bao gồm cả các đoạn đường tránh quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thị trấn thuộc huyện).

Văn Sinh

Tin liên quan