Sẽ có quy định riêng chặt chẽ hơn về vận tải bằng xe cứu thương

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi mới nhất đã bổ sung đề xuất quy định riêng một điều về hoạt động vận tải bệnh nhân bằng xe ô tô cứu thương, nhằm kiểm soát chặt chẽ loại hình vận tải này trước tình trạng nhiều xe cứu thương "trá hình" hoạt động và bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Dự thảo Luật Đường bộ quy định dịch vụ vận tải người bệnh là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô cứu thương có thiết bị y tế chuyên dùng để vận tải người bệnh cấp cứu hoặc vận tải người bệnh. Các xe này phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

 

Theo đó, xe ô tô cứu thương vận tải người bệnh phải có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin, gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

 

Se co quy dinh rieng chat che hon ve van tai bang xe cuu thuong - Hinh anh 1
 Ảnh minh hoạ

Từ thực tế thời gian qua, tình trạng xe cứu thương vận chuyển người bệnh không phép hoạt động tràn lan tại nhiều địa phương. Theo ban soạn thảo, cần thiết phải có quy định điều kiện về tổ chức, phương tiện để được phép thực hiện hoạt động vận chuyển người bệnh và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này. Từ đó góp phần đảm bảo đảm bảo an toàn cho người bệnh và cả an toàn giao thông trên đường.

 

Trước đó, nhiều trường hợp sai phạm đã bị người dân phản ánh và được cơ quan chức năng tiến hành xử lý nghiêm như vụ: Công ty TNHH Vận chuyển cấp cứu 115 Huỳnh Quốc (phường 5, quận 8, TP Hồ Chí Minh) kinh doanh dịch vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động.

Hay vụ Công ty TNHH vận chuyển cấp cứu 115 phía Đông (có trụ sở tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) điều phối đi nhận bệnh nhân COVID-19 tại quận 8, đưa vào cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định quãng đường 4km với giá 3 - 4 triệu đồng.

Tin liên quan