Cụ thể, tại khoản 4 Điều 47 của Dự thảo quy định về các trường hợp không được cấp đăng ký và biển số xe cơ giới. Theo đó, cấc trường hợp có hồ sơ xe không đảm bảo thủ tục theo quy định; xe không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật sẽ không được cấp đăng ký xe.
Xe có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc bị cắt hàn, đục cả số máy và số khung, hay chỉ cắt hàn, đục số máy hoặc số khung; xe hỏng không sử dụng được hoặc xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan cũng sẽ không được cấp biển số lưu hành.
Xe đang trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, xe có vị trí lắp đặt biển số gây khó khăn cho người quan sát và không đúng các quy định khác của pháp luật cũng thuộc trường hợp không được cấp đăng ký và biển số xe.
Dự thảo cũng nêu rõ các trường hợp thu hồi đăng ký và biển số xe tại khoản 1 Điều 48. Cụ thể: Xe hỏng không sử dụng được, hoặc xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan; xe tháo máy, khung để thay thế cho xe khác; xe được miễn thuế nhập khẩu, nay chuyển nhượng sang mục đích khác sẽ phải thu hồi đăng ký và biển số.
Tương tự là xe tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tái xuất hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam; xe đăng ký tại các khu kinh tế, thương mại đặc biệt, hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ khi tái xuất hoặc chuyển nhượng vào Việt Nam.
Đối với các xe bị mất cắp, chiếm đoạt, không tìm được chủ xe đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe; xe hết niên hạn sử dụng; xe không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật cũng sẽ nằm trong diện áp dụng khoản 1 Điều 48 Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phải thu hồi đăng ký và biển số.
Ngoài ra, xe có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc bị cắt hàn, đục cả số máy và số khung, hay chỉ cắt hàn, đục số máy hoặc số khung; có hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu, hoặc không tìm thấy người thực hiện hành vi đục lại số máy, số khung; xe đã đăng ký, cấp biển số, khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe… sẽ phải thu hồi biển số, đăng ký.