Vụ xe 4 chỗ chở thi thể từ Đà Nẵng ra Huế: Nếu vi phạm có thể truy cứu hình sự

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nếu điều tra vụ việc tai nạn lao động phát hiện có vi phạm các quy định về an toàn lao động dẫn đến chết người, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như đã đưa tin, anh Hoàng Trọng D. (SN 1981, trú đường Đoàn Nhữ Hải, phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) tử vong tại công trình dự án Condo 2 ở Trung tâm hội nghị và triển lãm Ariyana (107 đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Gia đình nạn nhân cho biết anh D. làm công nhân điện dân dụng cho Công ty CP cơ điện Mecoco. Chiều 24/5, anh D. tử nạn khi rơi từ tầng 16 xuống.
Thi thể anh D. sau đó được bỏ lên cáng sắt, đưa lên ô tô 4 chỗ BKS 43A-500.92 chở ra Huế trao cho gia đình. Bức xúc và đau xót về cách đối xử này, gia đình nạn nhân đã giữ 2 người đàn ông trên ô tô lại và báo công an địa phương đến làm việc. Tài xế ô tô trên khai với công an nhận chở nạn nhân từ Đà Nẵng ra Huế với giá 1,5 triệu đồng.
Người thân nạn nhân còn cho rằng, nếu anh D. gặp tai nạn thì phía công ty phải đưa vào bệnh cấp cứu; còn nếu tử vong thì phải bắt buộc giữ nguyên hiện trường để mời cơ quan công an đến làm việc. Đằng này, đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư đã không báo sự việc đến chính quyền, cơ quan chức năng.
Trong vụ việc đáng tiếc này, luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN, Đà Nẵng) cho rằng: Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người, thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn lao động (ở đây là Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng), và cơ quan công an cấp huyện (ở đây là Công an quận Ngũ Hành Sơn).
Trên cơ sở các khai báo, cơ quan chức năng sẽ thành lập đoàn để tiến hành điều tra tai nạn, dù nạn nhân có đang làm việc theo hợp đồng lao động hay không. Người sử dụng lao động, các cá nhân liên quan phải có nghĩa vụ hợp tác với đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hay cản trở quá trình điều tra.
“Trong quá trình điều tra tai nạn lao động mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đoàn điều tra phải báo cáo bằng văn bản kèm theo các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan cho cơ quan điều tra để xem xét, khởi tố vụ án hình sự”, luật sư Hậu cho biết.
Cũng theo luật sư Hậu: Trường hợp điều tra vụ việc tai nạn lao động có phát hiện có các hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động dẫn đến chết người, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn về nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.
Trường hợp người sử dụng lao động không khai báo hoặc khai báo sai sự thật về tai nạn lao động sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng (cá nhân); 40 đến 50 triệu đồng (tổ chức).
Trường hợp người sử dụng lao động không kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động, hoặc không thực hiện các trách nhiệm khác sẽ bị xử phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng (cá nhân); 2 đến 6 triệu đồng (tổ chức) và buộc phải các thanh toán các chi phí thuộc trách nhiệm.

Quang Hải

Tin liên quan