Xách hộ đồ qua sân bay: Nguy cơ trở thành tội phạm

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Vụ 4 tiếp viên hàng không khai nhận, được thuê xách kem đánh răng về Việt Nam mà không biết bên trong chứa chất ma túy gây xôn xao dư luận. Đây là lời cảnh tỉnh không chỉ cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không mà còn đối với cả người dân khi tham gia các chuyến bay nội địa/ quốc tế.

“Tàn đời” vì xách hộ hành lý

Mới đây, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, ngày 16/3, tại ga quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) thực hiện thủ tục hải quan cho các thành viên trong phi hành đoàn thuộc chuyến bay số hiệu VN10 của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ Pháp về Việt Nam, phát hiện hành lý của 4 nữ tiếp viên trong phi hành đoàn nghi vấn có chứa ma túy.

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã chủ trì, phối hợp cùng Đội Kiểm soát ma túy (Cục Hải quan TP HCM), Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu), Phòng 7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP HCM (PC04) tiến hành kiểm tra hành lý của 4 tiếp viên, phát hiện lượng lớn ma túy cất giấu, ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng.

Xach ho do qua san bay: Nguy co tro thanh toi pham - Hinh anh 1
Vụ 4 tiếp viên hàng không khai nhận, được thuê xách kem đánh răng về Việt Nam mà không biết bên trong chứa chất ma túy gây xôn xao dư luận. 

Các nữ tiếp viên khai nhận, không biết số hàng hóa kem đánh răng này có chứa chất ma túy. Họ được thuê vận chuyển từ một người lạ mặt, tiền công vận chuyển số kem đánh răng là 10.000.000 đồng. Hiện vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Trước đó, có rất nhiều hành khách đi đi máy bay, đặc biệt là đi ra nước ngoài đã nhận lời chuyển hộ, cầm giúp qua cửa hải quan hay nhẹ nhàng hơn là xách hộ hành lý mà không lường trước được rằng việc làm tốt của mình đôi khi lại rước họa cho bản thân khi vận chuyển các chất cấm, cá biệt có người lĩnh án tử hình vì vận chuyển ma túy.

Đơn cử vụ việc Phạm Trung Dũng  (40 tuổi, Việt kiều Úc) bị TAND TP HCM tuyên án tử hình về tội danh “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Theo án sơ thẩm, Dũng cùng vợ con từ Úc về Việt Nam thăm gia đình ở quận Bình Thạnh (TP HCM). Trong thời gian này, một người đàn ông tên Kiên (không rõ lai lịch) nhờ mang 2 va li về Úc với tiền công là 40.000 đôla Úc thì Dũng nhận lời.

Đến ngày 16/5/2013, khi Dũng đang lưu trú tại một khách sạn trên đường Lê Thánh Tông (quận 1, TP HCM) Kiên chủ động liên lạc và mang 2 va li tới giao cho Dũng. Sau khi nhận đồ, Dũng mang về nhà ở quận Bình Thạnh.

Vào lúc 19h30 ngày 17/5/2013, khi Dũng làm thủ tục xuất cảnh về Úc, lực lượng hải quan sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra, phát hiện có 2 gói ny lon chứa gần 3,5 kg ma túy được quấn giấy bạc và ép mỏng vào xung quanh thành 2 va li. Quá trình điều tra và tại các phiên tòa, Dũng khai rằng không hề biết đó là ma túy mà chỉ xách giúp, vận chuyển hộ.

Chủ động bảo vệ bản thân

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan nhận định, tình hình tội phạm ma túy, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, đường hàng không, đường biển.

Thạc sĩ xã hội học Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, việc tội phạm nhờ cầm hộ hành lý bên trong có chứa chất cấm không hề mới, tuy nhiên không ít người vẫn mắc bẫy. 

“Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần tỉnh táo và tự bảo vệ bản thân để có chuyến đi trọn vẹn, an toàn. Tại sân bay hay bất cứ nơi nào gần với dịch vụ hải quan, hãy thận trọng khi giúp người lạ, cho dù đó là người già hay phụ nữ mang thai, kể cả họ nhờ cầm hộ chai nước hay bất cứ thứ gì. Nếu muốn giúp, hãy lịch sự bảo họ đặt nó xuống sàn, hay chỗ nào đó và sẽ để mắt giúp - tuyệt đối không cầm hộ. Hoặc bạn cũng có thể nhờ các nhân viên ở sân bay giúp đỡ những người này” - Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, ngoài nhờ xách hộ hành lý, cũng có trường hợp tội phạm lén thả ma túy, đồ cấm vào túi mà không hề hay biết. Đến khi bị phát hiện, do không có người làm chứng sẽ khó tránh những rắc rối. Lúc này chỉ có thể chứng minh trường hợp hành khách là nạn nhân của bọn tội phạm ma túy tại sân bay quốc tế thông qua hình ảnh, clip ghi lại… Tuy nhiên, không phải trường hợp nào camera sân bay cũng ghi lại được hết các hình ảnh này.

Trao đổi với PV Giaothonghanoi, Luật sư Phạm Thanh Hải, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Theo quy định của Cục hàng không Việt Nam, hành lý đi theo người, người đi theo giấy tờ nên hành lý của ai chứa chất cấm thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu không biết người nhờ cầm hộ là ai, bên trong gói đồ gì, thì việc cầm hộ đồ tiềm ẩn rủi ro rất cao. Trên thực tế, không ít nạn nhân phải chịu hậu quả rất nghiêm trọng trong việc cầm hộ đồ qua sân bay, biên giới, bến xe, tàu”.

Liên hệ với vụ việc 4 tiếp viên hàng không bị tạm giữ khi trong hành lý có chất cấm, luật sư Phạm Thanh Hải cho rằng, việc các tiếp viên hàng không xách hộ đồ về nước đã là không đúng với nguyên tắc của hãng và quy định pháp luật và cả đạo đức nghề nghiệp. Với nghiệp vụ và chuyên môn trong nghề, các tiếp viên có đủ năng lực, nhận thức và cả kỹ năng để biết những rủi ro và hậu quả họ có thể đối mặt nếu nhận cầm hộ hàng hóa từ bất kỳ cá nhân nào.

“Trước sự việc trên, đây là lời cảnh tỉnh không chỉ cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không mà còn đối với cả người dân khi tham gia các chuyến bay nội địa/ quốc tế” - luật sư Hải cho hay.

Theo vị luật sư này, tình trạng gửi nhờ hàng hóa, thậm chí mua bán số kg hành lý ký gửi cũng là một dịch vụ phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kể cả người quen hay bạn bè nhờ gửi đồ, nếu trong hàng hóa có chứa chất cấm, người dân cũng không thể xác định được bằng mắt thường. Để bảo vệ bản thân, người dân không nên nhận gửi hàng hóa thông qua các chuyến bay hàng không, đồng thời bảo quản hành lý cẩn thận khi làm thủ tục tại sân bay, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng đưa hàng hóa lạ vào trong vali của mình.

 

Tin liên quan