Xe khách gây tai nạn giao thông, thì hãng xe khách hay tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

TÔ HÀ
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Việc xác định tài xế xe khách hay hãng xe có trách nhiệm bồi thường đối với vụ tai nạn sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp theo phân tích sau.

Hỏi: 

Tuần trước, chị gái tôi đang chạy xe đạp trên đường (đúng phần đường của mình) thì bị một tài xế xe khách của hãng xe M đâm phải, làm chị gái tôi gãy tay phải vào viện điều trị. Sau khi ra viện, gia đình tôi có yêu cầu hãng xe khách M đó phải bồi thường chi phí điều trị cho chị gái tôi do nhân viên của họ lái xe khách gây tai nạn giao thông. Nhưng hãng xe M này từ chối bồi thường và bảo gia đình tôi liên hệ với người lái xe khách để đòi bồi thường (anh ta đã bị đuổi việc sau khi gây tai nạn). Cho tôi hỏi, trường hợp này, pháp luật quy định thì hãng xe M hay tài xế gây tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường cho chị gái tôi? 

Xe khach gay tai nan giao thong, thi hang xe khach hay tai xe se phai chiu trach nhiem boi thuong thiet hai? - Hinh anh 1
Hiện trường một vụ xe khách gặp tai nạn. Ảnh minh hoạ 

Trả lời:

Do anh/chị không nói rõ hành vi của tài xế xe khách có vi phạm pháp luật hình sự và chị gái anh/chị có vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ dẫn đến va chạm với người tài xế xe khách. Nên trao đổi một cách chung nhất.

- Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Như vậy, hành vi của tài xế xe khách đâm vào chị gái anh/chị gây thiệt hại về sức khỏe đối với chị gái (khiến chị gái anh/chị gãy tay phải vào viện điều trị). Do đó, hành vi này được coi là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm hành vi gây thiệt hại xảy ra, tài xế xe khách vẫn là nhân viên thuộc quyền quản lý của hãng xe M, sẽ xảy ra 02 trường hợp như sau:


* Tài xế đang thực hiện công việc được giao (trong ca làm việc) thì hãng xe M sẽ là bên bồi thường theo quy định tại Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 600. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra
Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Do đó, tài xế đang thực hiện công việc được giao (trong ca làm việc) thì hãng xe sẽ là bên bồi thường. Đồng thời, hãng xe M có quyền yêu cầu người tài xế có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

* Tài xế đang không thực hiện công việc được giao (sử dụng xe vào mục đích cá nhân hoặc ngoài ca làm việc) thì người tài xế đã gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường cho chị gái bạn theo khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:

“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, với trường hợp này, việc xác định tài xế xe khách hay hãng xe M có trách nhiệm bồi thường đối với vụ tai nạn sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp theo phân tích ở trên.

Tin liên quan