|
Theo đại diện Cục đăng kiểm Việt Nam, xe máy đang là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể. Ảnh: Internet |
Từ lâu, việc những chiếc mô tô, xe gắn máy, xe ba gác,… vừa đi vừa nhả khói gây ô nhiễm môi trường đã không khó để có thể bắt gặp. Năm 2010, Thủ tướng phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, trong đó mục tiêu là áp dụng trước tại các đô thị đặc biệt, loại 1 và loại 2. Dù vậy, Luật Giao thông đường bộ (cũ) không quy định nên chưa thể áp dụng vào thực tiễn.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe máy đang nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể, đặc biệt tại các đô thị lớn với lượng khí thải ra môi trường. Số lượng xe máy gia tăng nhanh chóng dẫn đến việc tổng lượng khí thải tăng, đặc biệt ở các loại xe cũ nát, chất lượng kém.
Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có thêm quy định, xe máy sẽ phải kiểm tra định kỳ khí thải để tăng hiệu quả bảo vệ môi trường. Theo đó, việc tổ chức kiểm định, kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định, kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Từ giữa tháng 5/2020, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành. Việc kiểm tra được thực hiện tại các đại lý xe máy. Kết quả cho thấy, có thời điểm 30% lượng xe có ngưỡng phát thải quá tiêu chuẩn TCVN 6438 mức 1 (mức thấp nhất của tiêu chuẩn khí thải).
Loại xe có niên hạn sử dụng trên 5 năm, nếu không bảo dưỡng thường xuyên, lượng khí CO phần lớn vượt gấp 2 lần tiêu chuẩn. Sau khi các xe này bảo dưỡng, lượng khí CO trong khí thải giảm rất nhiều. Đối với các đời xe sử dụng phun xăng điện tử hoạt động trên 5 năm, đa số vẫn nằm trong tiêu chuẩn khí thải.
|
Toàn quốc hiện đang có hơn 50 triệu xe máy lưu hành |
Theo ông Đặng Trần Khanh - Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, toàn quốc đang có hơn 50 triệu xe máy lưu hành. Lượng xe máy này thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới, gây ra ô nhiễm từ xe máy tại các đô thị lớn.
Cũng theo ông Đặng Trần Khanh, việc quy định kiểm tra định kỳ khí thải xe máy trong Luật GTĐB để tạo cơ sở pháp lý và sẽ được cụ thể hóa bằng quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn khí thải, cách thức tổ chức kiểm tra. Từ nghiên cứu trước đây và kinh nghiệm của một số nước cho thấy, việc tổ chức kiểm tra định kỳ khí thải nên được tổ chức theo hướng xã hội hóa.
Ngoài ra, việc kiểm tra định kỳ có thể không áp dụng cho tất cả các xe máy. Những loại xe mới mua và sử dụng được vài năm có thể không cần kiểm tra.