Xe máy đi vào cao tốc, cần xử lý nghiêm và tăng mức xử phạt

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Không ít vụ tai nạn thương tâm giữa xe máy và ô tô trên Đại lộ Thăng Long nhưng vẫn chưa đủ răn đe khi hàng ngày vẫn có hàng chục phương tiện vi phạm. Nhiều chuyên gia cho rằng, hành vi đi xe máy vào đường cao tốc cần tăng mức xử phạt gấp nhiều lần, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tình trạng đáng báo động

Đại lộ Thăng Long là tuyến đường huyết mạch nằm ở phía Tây TP Hà Nội, nối trung tâm với quốc lộ 21A cũ. Toàn tuyến dài hơn 30km, đi qua 2 quận và 3 huyện.

Tuyến đường luôn đông đúc phương tiện di chuyển với tốc độ cao. Theo quy định, xe máy không được lưu thông trên làn đường chính mà chỉ được di chuyển ở tuyến đường gom, bên cạnh với thiết kế riêng biệt.

Ghi nhận trên tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long trong nhiều ngày liên tục, bất chấp nguy hiểm, các tài xế xe máy vẫn "đua với tử thần" khi vô tư đồng hành cùng các phương tiện ô tô ở làn cao tốc từ 80 – 100km/h. Tình trạng này diễn ra nhiều nhất vào khung giờ cao điểm trong ngày.

Trong khi đó, không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi xe máy đi vào phần đường dành cho ô tô trên Đại lộ Thăng Long. Mới đây nhất vào ngày 5/5 tại km 4+00 trên Đại lộ Thăng Long, đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa xe khách với xe máy khiến một cô gái chỉ mới 23 tuổi tử vong tại chỗ.

Xe may di vao cao toc, can xu ly nghiem va tang muc xu phat  - Hinh anh 1
Xe máy nối đuôi nhau trên phần đường dành riêng cho ô tô trên Đại lộ Thăng Long. 

Hay trường hợp một cô gái trẻ đi xe máy xảy ra va chạm giao thông dẫn đến tử vong với ô tô bán tải lưu thông hướng Hà Nội - Hòa Lạc tại km 11+300 trên Đại lộ Thăng Long vào ngày 8/5/2022. Ngày 24/7/2022, tại Km 30+00 đường Đại lộ Thăng Long cũng đã xảy ra vụ va chạm giữa xe ô tô với xe máy. Hậu quả, làm nam thanh niên đi xe máy tử vong tại chỗ. Trước đó cũng có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra giữa xe máy và ô tô trên tuyến đường này khiến nạn nhân tử vong.

Trao đổi với PV Giaothonghanoi, anh Nguyễn Văn Hà trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết: “Có những hôm đang chạy ô tô khoảng 80km/h trên Đại lộ Thăng Long bỗng xuất hiện một loạt xe máy lượn lách ở phía trước, thậm chí tạt đầu ô tô để di chuyển ra các điểm mở với đường gom khiến tôi không khỏi “lạnh gáy”. Chỉ cần thiếu quan sát một chút là có thể gây tai nạn nghiêm trọng”.

Nhiều lần phải phanh gấp trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp, chị Trần Thanh Thảo trú tại quận Nam Từ Liêm bức xúc: “Có hôm đang đi nhanh, tôi phải phanh gấp vì bất ngờ xuất hiện xe máy phía trước. Mặc dù, ngay sát bên đại lộ có đường gom rất đẹp nhưng những người này vẫn cố tình đi vào đường dành riêng cho ô tô”.

Chị Trần Thanh Thảo cho rằng, những ngày nắng nóng, lại càng có nhiều người vì tránh đông đúc, tắc đường mà di chuyển vào đường dành riêng cho ô tô. Việc hạn chế quan sát do nắng to khiến tuyến đường càng trở nên nguy hiểm.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Tính từ đầu tháng 4 đến nay, đơn vị xử lý 52 trường hợp đi xe máy vào Đại lộ Thăng Long, phạt tiền 235 triệu đồng. Đơn vị cũng đã thành lập 1 tổ công tác đặc biệt để xử lý tình trạng này”.

Vị đại diện cho rằng, hành vi đi xe máy trên đường cao tốc dành riêng cho ô tô là rất nguy hiểm cho bản thân người điều khiển xe máy và những người xung quanh. Tuy nhiên, ý thức một số người dân chưa cao khiến việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

“Tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long có rất nhiều điểm ra, vào, giao cắt, hầm chui kết nối với các quận huyện này, đặc điểm hạ tầng cũng khiến việc chốt chặn hay tuần tra xử lý thì gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi chỉ có thể xử lý các trường hợp tại điểm cuối đường, chứ không thể ngăn chặn khi xe đang lưu thông trên đường vì rất nguy hiểm khi không ít trường hợp quay xe ngang cao tốc bỏ chạy khi phát hiện lực lượng chức năng” - đại diện đội CSGT số 6 chia sẻ.

Xử nghiêm, phạt nặng

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xe máy đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt 2 đến 3 triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe đối với những cá nhân cố tình vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, một số cá nhân ý thức kém, không có văn hóa tham gia giao thông khi cố tình đi xe máy vào đường chỉ dành riêng cho ô tô. Hành vi này không những gây mất an toàn giao thông cho bản thân mà còn gây nguy hiểm đến các phương tiện khác. Trên thực tế hầu hết các vụ va chạm giữa xe máy và ô tô trên Đại lộ Thăng Long đều khiến nạn nhân tử vong.

Xe may di vao cao toc, can xu ly nghiem va tang muc xu phat  - Hinh anh 2
 Xe máy "chạy đua với tử thần" trên cao tốc.

“Mức phạt từ 2 đến 3 triệu đồng như hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Cần có những chế tài mạnh tay hơn nữa như tạm giữ phương tiện, tăng mức tiền phạt lên gấp nhiều lần, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp cố tình vi phạm gây tai nạn giao thông” - Thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.

Theo Thạc sĩ Đỗ Cao Phan, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý và tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về sự nguy hiểm khi sử dụng xe đạp đi vào đường dành riêng cho ô tô chạy tốc độ cao.

Liên quan đến vấn đề này Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng, những vụ tai nạn trên Đại lộ Thăng long là hoàn toàn có thể lường trước được. Tuy nhiên, ý thức người dân là vấn đề quan trọng nhất trong việc giảm thiểu tình trạng này.

 “Cũng có không ít trường hợp đi nhầm vào đường cao tốc dành cho ô tô. Biển cấm phương tiện xe máy, xe thô sơ cũng cần được đặt ở những vị trí dễ quan sát để tránh trường hợp đi nhầm. Cơ quan quản lý đường nên bố trí thêm biển báo nhắc lại, đồng thời mở một số lối ra nhỏ chỉ vừa xe đạp, xe máy để những người đi nhầm có thể di chuyển ra khỏi đường cấm ngay” – Thạc sĩ Nguyễn Văn Dương chia sẻ thêm.

Tin liên quan