Xử lý thế nào vụ hàng loạt ô tô bị đập vỡ kính ở Hà Đông?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo luật sư, hành vi đập cửa kính xe ô tô khi đỗ trên vỉa hè đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân.

Ngày 17/6, Công an quận Hà Đông nhận được tin báo của người dân về việc đêm 16/6, rạng sáng 17/6, có hiện tượng nhiều ô tô để qua đêm tại vỉa hè phía trước chung cư CT8A, CT8B khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, bị kẻ gian đập kính.

Xu ly the nao vu hang loat o to bi dap vo kinh o Ha Dong? - Hinh anh 1
 Nhiều ô tô để tại sân chung cư khu đô thị Văn Quán bị đập vỡ kính. Ảnh: Phạm Công

Một chủ phương tiện bị đập vỡ kính xe cho biết: “Tôi đi làm về từ chiều 16/6 và để xe tại khu vực dưới sân chung của chung cư. Sáng sớm thì được bảo vệ thông báo kính xe bị đập vỡ. Các ngăn kéo, giấy tờ bị lục lọi, rất may bên trong không có đồ đạc gì giá trị”.

Theo các chủ xe bị đập vỡ kính, khu vực này là sân chung của toà nhà, để xe không mất phí nên việc bị phá hoại tài sản đành phải tự sửa chữa. Nhiều người dân bày tỏ mong muốn các cơ quan có chức năng sớm điều tra, bắt giữ kẻ xấu để an ninh trong khu vực được đảm bảo.

Qua xác minh ban đầu, cơ quan công an ghi nhận có 9 ô tô bị đập kính, và theo nhận định, ý đồ kẻ xấu đập vỡ cửa kính nhiều xe ô tô để trộm cắp tài sản. Toàn bộ các phương tiện đều để ở nơi không có người trông giữ. Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hà Đông sớm có mặt tại hiện trường để tiến hành xác minh, điều tra vụ việc và làm việc với bị hại là các chủ xe bị đập kính.

Hiện, Công an quận Hà Đông đang phối hợp Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội xác minh làm rõ, truy bắt các đối tượng liên quan.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành, hành vi đập phá xe ô tô của người khác sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị xử lý hình sự.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 584, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Ngoài ra, cá nhân có hành vi đập phá xe ô tô của người khác còn bị xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 2 Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức…

Về trách nhiệm dân sự, luật sư Nguyên viện dẫn, tại Điều 584, 585, BLDS 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại…

Cũng theo luật sư Đinh Thị Nguyên, trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người đập vỡ kính xe ô tô của người khác có thể bị xử lý hình sự theo Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức; gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng…thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Trước đó, Công an quận Hoàng Mai đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội bắt giữ đối tượng Hồ Ngọc Toàn, SN 1986, ở Hải Phòng, kẻ chọc thủng hàng loạt lốp ô tô tại khu vực Linh Đàm và khởi tố về tội "Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Với tội danh này, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Toàn 30 tháng tù. Hồ Ngọc Toàn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, xét thấy bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng mức độ hành vi của bị cáo, đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, HĐXX tuyên y án sơ thẩm.

Thái An

Tin liên quan