Thiếu hụt quy định xử phạt và trang thiết bị
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), hiện đơn vị đang quản lý, sử dụng 450 camera giám sát, phát hiện vi phạm giao thông tại các nút giao thông trọng điểm và các tuyến phố ở khu vực nội đô.
Ngoài ra, tại nhiều nút giao thông còn có hệ thống camera an ninh hỗ trợ khi cần. Từ đầu năm 2019 đến nay, qua hệ thống camera, lực lượng Cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt “nguội” hơn 1.700 trường hợp và gửi thông báo cho chủ phương tiện vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã trích xuất hàng trăm lượt hình ảnh phục vụ công tác điều tra vi phạm, giải quyết tai nạn giao thông, truy bắt tội phạm.
Theo Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội), hiện chỉ có khoảng 60% trường hợp bị phạt “nguội” đến nộp tiền phạt. Nguyên nhân do thiếu chế tài cưỡng chế để buộc thực hiện nghiêm việc xử phạt nên người vi phạm cố tình né tránh bằng những cách như: Chuyển chỗ ở; bán phương tiện; cho rằng không biết, không nhận được thông báo xử phạt… Bên cạnh đó, nguyên nhân khác là do vướng mắc trong việc xác định người vi phạm thực sự để xử phạt.
Là chủ của 5 xe ô tô cho thuê tự lái, anh Phạm Văn Tuân (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho biết, phương tiện của anh thường xuyên bị phạt “nguội” do khách thuê xe vi phạm. “Tuy nhiên, tôi từ chối đóng phạt bởi lý do dù là chủ sở hữu nhưng bản thân không lái xe để xảy ra vi phạm”, anh Tuân nói.
Về thực tế “dở khóc, dở cười” này, Đại úy Trần Ngọc Trung, Phó Đội trưởng phụ trách Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội) cho biết, nhiều người thuê, mượn, mua bán nhưng chưa sang tên, đổi chủ phương tiện vi phạm. Khi camera giao thông phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt “nguội” và gửi đến chủ sở hữu phương tiện, nhưng do chủ phương tiện không phải là người trực tiếp điều khiển phương tiện ở thời điểm vi phạm nên rất khó cưỡng chế.
|
Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong áp dụng công nghệ vào giám sát, xử lý vi phạm giao thông. |
Theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), thời gian qua, các lực lượng chức năng trực thuộc Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố, chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn thành phố; nhưng vẫn còn tình trạng một số địa bàn chưa được rà soát để phát hiện, xử lý các xe “dù”, bến “cóc”. Việc ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phạt “nguội” có thể giải quyết vấn đề này, nhưng do trang thiết bị còn hạn chế nên chưa thể phủ kín địa bàn.
Để việc xử phạt “nguội” khả thi hơn
Liên quan đến việc thiếu chế tài cưỡng chế, Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị đã kiến nghị lên Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) bổ sung việc xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ khi mua, bán phương tiện, nhằm nâng cao trách nhiệm các bên khi thực hiện giao dịch. Nếu xảy ra vi phạm bị xử phạt “nguội”, đối với những phương tiện chưa làm thủ tục sẽ áp dụng xử phạt với cả người đứng tên đăng ký phương tiện, từ đó xử phạt “nguội” mới thực sự mang lại hiệu quả răn đe.
Về phía thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng thiết bị công nghệ kỹ thuật vào giám sát, xử lý vi phạm. Theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), Sở đang tiếp tục khảo sát các vị trí tiềm ẩn phức tạp về giao thông, đặc biệt là các khu vực bến xe và tuyến đường trọng điểm để tiến hành lắp đặt bổ sung camera theo dõi các phương tiện dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định. Các dữ liệu này sẽ được chuyển tới cơ quan liên quan phục vụ công tác xử lý vi phạm.
Trước đó, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã có công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đấu thầu thuê phần mềm dùng chung để quản lý, xử lý thông tin qua hệ thống camera do các quận, huyện, thị xã và cơ quan chức năng đầu tư phục vụ công tác điều hành giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, ngoài yêu cầu phải kết nối đồng bộ với hệ thống camera sẵn có, một trong những tính năng quan trọng của phần mềm này là phải tự động xác định vi phạm của các phương tiện giao thông đường bộ trong khu vực có hệ thống camera quan sát để cung cấp cho các đơn vị chức năng phạt “nguội” khi cần.
Để các cơ quan chức năng có thể sử dụng chung dữ liệu quản lý cũng như để người dân nắm bắt được thông tin xử phạt “nguội”, từ ngày 1-6-2019, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) đã đưa vào vận hành phần mềm quản lý vi phạm của lái xe và thông tin về phương tiện vi phạm được phát hiện qua hệ thống giám sát trên toàn quốc.
Đối với người dân, lái xe, chỉ cần vào website của Cục Cảnh sát giao thông (www.csgt.vn) sẽ biết được phương tiện của mình có nằm trong danh sách vi phạm, bị xử phạt hay không.