Ngày 11/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì Hội thảo “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân”, với sự tham gia của Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật, Hội Cầu đường, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội.
Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã đóng góp rất nhiều ý kiến quan trọng cho việc đầu tư, xây dựng ĐSĐT của Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chia sẻ: “Thành phố rất quan tâm đến các giải pháp tháo gỡ ba khó khăn chính cho ĐSĐT nói riêng và giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nói chung. Đó là: nguồn vốn; cơ chế chính sách, và giải pháp trước mắt khi ĐSĐT chưa phát triển”.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường nhận định: “Muốn phát triển ĐSĐT hoàn chỉnh trong 10 - 20 năm tới, Hà Nội không thể trông đợi vào tư duy thông thường hay tư duy đặc thù, mà phải là tư duy đột phá”.
Ông Vũ Hồng Trường chia sẻ, có những vấn đề rất nhỏ nhưng lại vướng mắc do thủ tục, quy định như độ tuổi cấp phép cho lái tàu ĐSĐT, Bộ GTVT làm theo quy định chung trong khi Hà Nội đã đào tạo và có thể cho phép làm việc ngay.
Về các vấn đề đặc thù, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chia sẻ, TP đang tập trung vào xây dựng Luật Thủ đô để có căn cứ pháp lý phù hợp tháo gỡ vướng mắc. “Nếu Hà Nội được phân quyền quyết định, thực hiện theo thực tế thì các đơn vị vận hành, quản lý, đầu tư ĐSĐT phải đảm bảo về mặt an toàn và hiệu quả” - Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn nói.
Mặt khác, vấn đề vốn đầu tư cho ĐSĐT cũng là một thách thức đối với Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên hạn chế sử dụng nguồn vốn vay ODA, bởi đi vay ngoài chuyện phải trả lãi, còn bị ràng buộc nhiều về kỹ thuật, công nghệ…
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chia sẻ, Hà Nội sẽ tập trung vào mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm hạt nhân trung tâm), tận dụng và coi nguồn lực từ đất đai, giá trị tăng thêm từ bất động sản xung quanh các tuyến ĐSĐT là nguồn lực chính để đầu tư cho hạ tầng, trong đó có ĐSĐT.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng đặt câu hỏi cho lãnh đạo đơn vị quản lý giao thông công cộng: “Với vai trò quản lý và và cả dưới góc nhìn chuyên gia, phải làm sao để hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy tại Hà Nội trong bối cảnh hiện nay khi ĐSĐT chưa phát triển”.
Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương nói: “Để vượt qua những thách thức, giải quyết các vấn đề phát sinh và phát triển hệ thống giao thông đô thị, một trong những giải pháp khả thi, cơ bản và quan trọng hàng đầu là phát triển và tiếp tục trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Ứng dụng công nghệ đầu tư phương tiện vận tải công cộng hiện đại và thân thiện môi trường”.
Ngoài ra, cần tăng cường năng lực của bộ máy quản lý và triển khai đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân để đảm bảo cho hệ thống vận tải công cộng phát triển đúng hướng, hoạt động hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bao trùm tất cả các lĩnh vực của Thủ đô, tập trung giải quyết những câu chuyện lâu dài chiến lược.
Đồng thời cũng đưa ra những giải pháp rất cụ thể để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách, trước mắt của Hà Nội trong 5 - 10 năm tới. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược, mang tính thời đại của Đảng ta đối với sự phát triển của Thủ đô, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt, còn TP Hồ Chí Minh hoàn thành hơn 200km.
Đây là những tiền đề quan trọng, đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu của Thủ đô. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định “Hà Nội luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và tâm tư nguyện vọng của người dân về các vấn đề giao thông đô thị, đặc biệt là ĐSĐT nhằm tìm ra hướng đi tốt nhất trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay”.
Đặng Sơn