|
Tỉ lệ phương tiện dán thẻ ETC đã đạt 96%. |
Đủ điều kiện bỏ barie
Từ ngày 1/8, tất cả tuyến cao tốc trên toàn quốc triển khai dịch vụ ETC. Việc đưa hệ thống ETC vào sử dụng giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người dân, DN và cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Trước khi ETC được triển khai toàn diện trên phạm vi cả nước, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan đã lên phương án chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tất cả hướng tới mục tiêu làm sao để “cỗ máy” ETC được vận hành một cách trơn tru và thuận lợi nhất. Tuy nhiên, sau những ngày đầu triển khai, ETC vẫn bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến lỗi kỹ thuật. Đây cũng chính là điểm trừ lớn nhất của thu phí không dừng cho tới lúc này.
Kể từ khi dự án thu phí không dừng chính thức “về đích” đến nay đã hơn 1 năm. Trong thời gian này, vẫn có nhiều thời điểm xảy ra trục trặc kỹ thuật tại một số trạm thu phí. Đặc biệt là vào những ngày nghỉ lễ, Tết khi phương tiện giao thông trên các tuyến tăng đột biến.
Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống ETC đã được vận hành khá trơn tru. Những sự cố kỹ thuật cũng được dần khắc phục theo thời gian. Đặc biệt, tỉ lệ phương tiện dán thẻ ETC đã tăng nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn dịch vụ ETC được triển khai trên cả nước. Tiện ích mà dịch vụ ETC mang lại vượt trội so với phương thức thu phí thủ công trước đây cùng những chế tài nghiêm khắc mà các chủ phương tiện phải đối mặt khi không dán thẻ ETC được cho là 2 nguyên nhân chính khiến tỉ lệ phương tiện dán thẻ ETC tăng mạnh. Điều mà trước đó đã có không ít ý kiến quan ngại và lo lắng.
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tới nay đã có khoảng 96% phương tiện đã hoàn thành việc dán thẻ ETC. Đại diện Phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, thu phí không dừng có 4 giai đoạn: trong đó khi số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đạt trên 90% có thể chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 là vẫn còn barie nhưng khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm. Giai đoạn 3 là bỏ barie và giai đoạn 4 là bỏ barie và bỏ trạm thu phí, chỉ có các thiết bị ETC treo trên giá long môn để xe qua tự do. Với việc đã có tới hơn 95% phương tiện hoàn thành dán thẻ ETC thì dự án thu phí không dừng gần như đã đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn 2.
|
Trước khi bỏ barie tại các trạm thu phí cần xây dựng chế tài chặt chẽ để tránh những trường hợp chây ì không trả phí. |
Cần hành lang pháp lý chặt chẽ
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong 4 giai đoạn trên, việc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 là khó khăn nhất, cần có hành lang pháp lý chuẩn. Do vậy, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về ETC cần được nâng lên thành nghị định để có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Mới đây nhất, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện cơ quan này yêu cầu các đơn vị chuẩn bị cho giai đoạn II và giai đoạn III của Đề án là thu phí mở, bỏ barie tại các trạm thu phí.
Để thực hiện điều này việc trước tiên là cần điều chỉnh lại phần mềm và hệ thống thiết bị bởi khi bỏ barie tại các trạm thu phí, tốc độ xe chạy sẽ tăng lên, nhất là trên cao tốc. Về kỹ thuật không phức tạp tuy nhiên việc bỏ barie cũng cần phải có qui định cho phép chủ phương tiện trả phí sau.
Đồng thời, cần có chế tài xử lý với những trường hợp chủ phương tiện chây ì trong việc trả phí. Dự thảo Luật Đường bộ dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới đây và sẽ được đưa vào kỳ họp của tháng 5/2024 để xem xét thông qua.
Các chuyên gia cho rằng, về mặt kỹ thuật thì hiện tại đã đủ điều kiện để bỏ barie tại các trạm thu phí không dừng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất chính là chưa có hành lang pháp lý để truy thu các trường hợp chủ phương tiện trả sau nhưng cố tình chây ì trong việc thanh toán.
Do đó, Bộ GTVT cần khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, trong đó cần xác định đơn vị gánh chịu rủi ro khi chủ phương tiện nợ đọng tiền phí, mà còn là hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp để truy thu chủ phương tiện chây ì trong việc trả phí. Với các dự án BOT, có hàng loạt chủ thể liên quan, từ các ngân hàng, các nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng…
Thực tế có những trường hợp không đòi được phí khi xe bị đánh cắp, bị tai nạn, hỏng xe không thể sử dụng, xe biển nước ngoài, không có tài khoảng thu phí không dừng… Trong khi với ngân hàng thương mại thì thiếu 10.000 đồng tiền thu phí BOT cũng là phần thiếu nợ.
Bộ GTVT đang nghiên cứu, đề xuất chuyển Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thu phí không dừng thành nghị định. Khi đó, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên liên quan, như các ngân hàng, các doanh nghiệp BOT, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ được phân định rõ.
Ghi nhận thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, biện pháp phổ biến nhất là quy định ai đang đứng tên trong đăng ký xe thì chịu trách nhiệm trả phí, giống như hình thức phạt nguội hiện nay. Với chế tài này, người bán xe chưa sang tên cũng sẽ phải nộp phí rồi tự thỏa thuận với chủ xe mới về thủ tục sang tên, tiền nợ phí; người cho mượn xe, cho thuê xe cũng có trách nhiệm nộp phí trả sau thay vì tranh luận xe mua lại, xe mượn, xe đi thuê.