Hành vi tua đồng hồ đo km “né” đăng kiểm: Có cần thiết xử lý hình sự?

SAN TÚ
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo luật sư, đề xuất xử lý hình sự với hành vi tua đồng hồ đo km để “né” đăng kiểm không hợp lý, bởi hành vi tua đồng hồ này không thể xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số km sử dụng

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số km sử dụng.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận nếu áp dụng được phương pháp này sẽ chính xác hơn so với cách tính chu kỳ theo thời gian như hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại có thể xuất hiện hành vi gian lận nhằm “né” đăng kiểm của các chủ phương tiện. Cụ thể chủ xe có thể “tua”, “gẩy” số km trên đồng hồ… 

Trả lời báo chí, ông Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) thì cho rằng, việc tính chu kỳ kiểm định xe theo số km rất khó khả thi vì hiện chưa có chế tài, quy định nào để kiểm soát số km hiển thị trên ô tô là đúng và chính xác. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gian lận chu kỳ kiểm định thông qua việc điều chỉnh số km.

“Ngay cả nhà sản xuất ô tô cũng không thể kiểm soát được việc gian lận km xe chạy. Nếu đưa ra đề xuất này cần có chế tài kiểm tra để xác định được chính xác số km xe chạy nhằm hạn chế hoàn toàn việc gian lận trên, từ đó tránh tiêu cực đăng kiểm” - ông Đàm Hoàng Phúc nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng chu kỳ đăng kiểm dựa trên số km thì hành vi tua km cũng phải được quy định trong Luật hình sự mới đủ tính răn đe, ngăn chặn. Nếu chỉ đưa vào Luật Giao thông đường bộ và phạt hành chính căn cứ theo Nghị định 100 thì không thể ngăn chặn triệt để việc gian lận số km.

Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các mô hình tính chu kỳ kiểm định phương tiện tại các nước trên thế giới và chọn lọc để áp dụng thực tiễn ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện trong nước. Cục đã và đang tiếp tục nghiên cứu tính chu kỳ dựa trên số km trước khi có báo cáo cuối cùng.

Hanh vi tua dong ho do km “ne” dang kiem: Co can thiet xu ly hinh su? - Hinh anh 1
Hành vi tua đồng hồ đo km trên xe ô tô chưa đủ căn cứ để đưa vào luật hình sự.

Ảnh minh hoạ 

Không thể xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội

Về vấn đề này, trao đổi với Giaothonghanoi, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, đề xuất xử lý hình sự với hành vi tua đồng hồ đo km không hợp lý, bởi hành vi tua đồng hồ này không thể xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, nếu gian lận số km tránh đăng kiểm dẫn đến phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn gây ra tai nạn giao thông chết người thì hành vi này (đã có hậu quả xảy ra) mới có thể bị xử lý hình sự.

Còn đối với hành vi gian lận về mặt kĩ thuật để "né" đăng kiểm nhưng chưa gây ra hậu quả thiệt hại về vật chất, không dẫn đến tai nạn chết người hay thương tích cho người khác thì chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội. Về mặt lý luận thì không thể xử lý hình sự.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc hình sự hóa một hành vi hành chính phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận về cấu thành tội phạm, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi trên cơ sở kiến thức khoa học pháp lý, không chỉ là ý tưởng. Chu kỳ đăng kiểm dựa trên thời gian là hợp lý. Hiện nay, phương án này cũng đã phân loại phương tiện: xe gia đình và xe kinh doanh vận tải.

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, với những phương tiện kinh doanh thì thời gian đăng kiểm có thể rút ngắn khoảng một phần hai hoặc một phần ba so với xe tư nhân thì hợp lý hơn. Tất nhiên điều này vẫn mang tính chất tương đối trên cơ sở tính toán khoa học về mức độ khấu hao theo thời gian, quá trình sử dụng thông thường của xe ô tô” - Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Tin liên quan